top of page

Vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề bài môn Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam

Phân tích vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ý nghĩa của việc nghiên cứu vấn đề trên với xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam

MỞ ĐẦU

Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên được coi là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phong trào “Vô sản hóa” vào những năm 1928-1929 của Hội đã dẫn đến sự ra đời của ba tổ chức cộng sản ở nước ta. Sự hợp nhất ba tổ chức cộng sản này tạo thành sự kiện ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - chính đảng duy nhất tồn tại đến ngày nay. Bài tiểu luận sẽ tiến hành phân tích vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đối với sự kiện lịch sử này, qua đó liên hệ ý nghĩa và vận dụng trong công cuộc xây dựng Đảng hiện nay.

NỘI DUNG

1. Khái quát về Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên

Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ra đời vào tháng 6/1925 tại Quảng Châu, nơi có đông người Việt yêu nước hoạt động, trong quá trình đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở về nước chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng và đang khao khát đi tìm lực lượng để “gieo mầm cộng sản”. Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên có tiền thân là tổ chức thanh niên tri thức tiểu tư sản yêu nước hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp thu và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, đó là Tâm Tâm xã. Nguyễn Ái Quốc bắt gặp và cải tổ Tâm tâm xã lập nên Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, trong đó có hạt nhân là nhóm Cộng sản đoàn được Người bí mật thành lập từ trước. Đây là tổ chức chính trị cách mạng đầu tiên mang khuynh hướng vô sản ở nước ta.

Trong điều lệ của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ghi rõ mục đích ra đời của Hội là kết quả của sự hội tụ hai luồng tư tưởng lớn: tư tưởng giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của thực dân và tư tưởng xây dựng chính Đảng của giai cấp vô sản để lãnh đạo cách mạng của chủ nghĩa cộng sản. Đây chính là con đường cách mạng vô sản được Nguyễn Ái Quốc giác ngộ từ Chủ nghĩa Mác-Lênin vào những năm 1920. Nhiệm vụ cốt lõi của Hội là nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước. Hệ thống của Hội gồm 5 cấp theo nguyên tắc tập trung dân chủ: tổng bộ, kỳ bộ, tỉnh bộ (hay thành bộ), huyện bộ và chi bộ. Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên chưa phải là chính đảng cộng sản, nhưng chương trình hành động đã thể hiện quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân, là tổ chức tiền thân dẫn tới sự ra đời của các tổ chức cộng sản ở Việt Nam.

2. Vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đối với sự ra đời của Đảng

2.1. Vai trò trong việc chuẩn bị đường lối cho sự ra đời của Đảng

Sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đã đẩy mạnh việc truyền bá lý luận cách mạng và chuẩn bị tiến đề cho việc thành lập Đảng Cộng sản ở nước ta. Hoạt động của Hội chủ yếu nhằm truyền bá trực tiếp tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, nền tảng của đường lối cách mạng, vào Việt Nam và kết quả đã dẫn tới sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và sự ra đời liên tiếp của ba tổ chức cộng sản giai đoạn 1928-1929.

Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện chính trị cho hội viên Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên được tổng hợp và xuất bản thành cuốn sách “Đường Cách mệnh” vào năm 1927. Sau cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp, đây là tác phẩm đầu tiên vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam, đặt lý luận cách mạng lên hàng đầu trong cuộc vận động cách mạng và đảng cách mạng tiên phong. Cụ thể, “Đường Cách mệnh” khẳng định rằng: con đường cách mạng của các dân tộc bị áp bức là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, cả hai cuộc cách mạng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản. Đây là việc chung của cả dân chúng, mà nòng cốt, lãnh đạo là công-nông, đại diện là Đảng Cộng sản. Đường lối chính trị của Đảng cách mạng phải hướng tới độc lập cho dân tộc tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Tác phẩm chỉ ra những vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, bao gồm: phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng, lực lượng, phương pháp cách mạng, những kinh nghiệm cách mạng trên thế giới. Đồng thời vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, Người khẳng định: cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ nhau, nhưng không phụ thuộc vào nhau.

“Đường Cách Mệnh” là tài liệu học tập và tuyên truyền “gối đầu giường” của nhiều hội viên - lớp thế hệ vô sản chuyên chính đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không chỉ vậy, đây cũng được coi là tài liệu chính trị đầu tiên của Đảng ta, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối của cách mạng Việt Nam. Như vậy, nếu không có hoạt động tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, những nguyên lý cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin sẽ không được cụ thể hóa và phổ biến rộng rãi thông qua tác phẩm quan trọng của Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn này. Nói cách khác, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đóng vai trò quan trọng trong bước chuẩn bị cơ bản về đường lối chính trị cho việc thành lập Đảng Cộng sản.

2.2. Vai trò trong việc chuẩn bị tư tưởng, lý luận cho sự ra đời của Đảng

Trong quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng, vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên được thể hiện qua việc đưa tư tưởng, lý luận của con đường cách mạng vô sản vào sâu trong nhận thức của cán bộ đầu não và quần chúng nhân dân. Đối với quần chúng, Hội sử dụng báo chí làm phương tiện chủ yếu. Tiêu biểu và có sức ảnh hưởng lớn nhất là tuần báo Thanh niên, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo, là cơ quan ngôn luận, công cụ truyền bá tôn chỉ, mục đích của Hội vào đại đa số quần chúng yêu nước. Đối với cán bộ cách mạng, Hội mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, đào tạo cán bộ được tuyển chọn từ các thanh niên tích cực trong nước suốt những năm 1925 - 1927, mà nội dung các bài giảng đã được đúc kết thành tác phẩm “Đường Cách mệnh” được đề cập ở trên. Chủ nghĩa Mác-Lênin và các tài liệu tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, vượt qua nhiều rào cản của thực dân Pháp và một số đường lối dân tộc tư sản hẹp hòi như của Việt Nam Quốc dân Đảng, đã được giai cấp công nhân và nhân dân lao động đón nhận như “người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”. Có thể nói, thông qua các hoạt động tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc theo chủ nghĩa Mác-Lênin đến với nhân dân ta thường xuyên và có hệ thống.

Trong phong trào quần chúng, phong trào “Vô sản hóa” do Kỳ bộ Bắc Kỳ phát động từ 29/9/1928 đã góp phần truyền bá tư tưởng vô sản, rèn luyện cán bộ và xây dựng phát triển tổ chức cách mạng của công nhân. Trong bối cảnh trình độ dân trí còn thấp thì việc “vô sản hóa trí thức, trí thức hóa công nông” trở thành quy luật phát triển và chiến thắng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Vừa truyền bá lý luận, vừa thực hiện chủ trương “vô sản hóa” bằng cách tham gia hoạt động trực tiếp trong lòng các phong trào tại nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, hội viên của Hội đã đóng vai trò tích cực trong việc gia tăng số hội viên là công nhân - những hạt nhân tiên tiến của Đảng Cộng sản, thức tỉnh dân tộc và lãnh đạo nhân dân lao động bị áp bức đứng lên đấu tranh. Sự đúng đắn của con đường cứu nước được vạch ra đã lôi cuốn quần chúng yêu nước chân chính theo con đường cách mạng vô sản, nổi dậy các phong trào công nhân và phong trào yêu nước sôi sục lan rộng cả nước. Trong những năm 1926 - 1927, mỗi năm có hàng chục cuộc bãi công. Trong hai năm 1928 - 1929 nổ ra hơn 40 cuộc đấu tranh, tiêu biểu là các cuộc bãi công ở Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Nghệ An, Sài Gòn. Phong trào “vô sản hóa” của Hội cũng đã rèn luyện lập trường, quan điểm giai cấp công nhân trong đội ngũ cán bộ nòng cốt của Đảng để các đồng chí có cùng một ý nghĩ, một lối sống, một ngôn ngữ. Nhờ đó các tổ chức Đảng ra đời có một nền tảng về tư tưởng, lý luận vững chãi, đồng lòng đồng sức để đưa cách mạng Việt Nam đi đúng đường lối đặt ra.

2.3. Vai trò trong việc chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự ra đời của Đảng

Sau khi lựa chọn con đường cách mạng vô sản là con đường giải phóng dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện lộ trình “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”. Thay vì lựa chọn thành lập trực tiếp Đảng Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc lựa chọn thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên với hình thức tổ chức kém chặt chẽ và lỏng lẻo hơn như một bước quá độ để phù hợp hơn với bối cảnh chưa “chín muồi” trong nước: chủ nghĩa Mác-Lênin chưa được quần chúng trong nước giác ngộ, phong trào đấu tranh của quần chúng còn thiếu đường lối đúng đắn. Đây là sự lựa chọn hợp thời, sáng tạo của Người để chuẩn bị cho bước tiến quan trọng của cách mạng - thành lập Đảng Cộng sản.

Về nhân lực, kết quả huấn luyện, đào tạo đông đảo hội viên ưu tú từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản đã chuẩn bị cán bộ cách mạng cốt cán, vững chắc về tư tưởng cho Đảng Cộng sản. Sự truyền bá đường lối, tư tưởng cách mạng còn gắn liền với việc xây dựng các tổ chức cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở nhiều trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng, dẫn tới sự gia tăng số hội viên (năm 1928 có 300 hội viên, con số này đã tăng gấp gần 6 lần vào năm 1929 có 1.700 hội viên), lôi cuốn nhiều tầng lớp trở thành những chiến sĩ cách mạng, tăng cường sự hiện diện sâu rộng trong đời sống của nhân dân lao động. Ngoài phát triển cơ sở trong nước theo cơ cấu 5 cấp, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên còn xây dựng cơ sở nước ngoài, như Thái Lan, để mở rộng hoạt động tuyên truyền trong Việt kiều và liên lạc với các tổ chức cộng sản ngoài nước.

Về sự ảnh hưởng đến các tổ chức chính trị, sức ảnh hưởng của Hội rất lớn, tác động đến cả một số tổ chức yêu nước lúc đó, đặc biệt là tổ chức Tân Việt Cách mạng đảng, đi theo khuynh hướng cách mạng vô sản. Các tổ chức chính trị ra đời trong các phong trào công nhân dâng cao thời kỳ này có đặc điểm nổi bật là trình độ tổ chức, liên kết và tính kỷ luật của công nhân cao hơn hẳn giai đoạn trước, có nơi đã lập được tổ chức Công hội đỏ, nhiều nơi đã lập ra Ủy ban bãi công. Phong trào yêu nước cũng xuất hiện các tổ chức chính trị bài bản, có tinh thần dân tộc và cấp tiến của giới trí thức như Việt Nam Nghĩa đoàn, Đảng Thanh niên, Đảng An Nam độc lập… vào những năm 1925, nửa đầu 1926. Sự ra đời của các tổ chức này đều là hệ quả của công cuộc truyền bá tư tưởng lý luận cách mạng của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, dẫn tới sự phát triển của giai cấp vô sản trong vai trò một lực lượng chính trị độc lập. Khách quan đó đòi hỏi phải có tổ chức đảng chính trị lãnh đạo, dẫn đến sự ra đời liên tiếp của Đông Dương Cộng sản Đảng (Bắc Kỳ), An Nam Cộng sản Đảng (Nam Kỳ), Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (Trung Kỳ) chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 6/1929 - 1/1930, khẳng định bước phát triển về chất của phong trào yêu nước Việt Nam theo khuynh hướng vô sản. Tuy nhiên nhận thấy được mối nguy cơ tiềm ẩn của sự phân tán tổ chức, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời hợp nhất ba tổ chức Đảng này. Như vậy, Đảng ra đời là kết quả của một cuộc vận động của các tổ chức cách mạng chính trị, mà vai trò đầu tiên phải kể đến Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên trong việc chuẩn bị về mặt tổ chức.

Như vậy có thể khẳng định, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, có vai trò quan trọng trong sự chuẩn bị về đường lối, tư tưởng lý luận và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

3. Ý nghĩa của việc nghiên cứu vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng Đảng giai đoạn hiện nay

Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ra đời đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ truyền bá tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin, là dấu mốc quan trọng cho sự trưởng thành và phát triển cách mạng vô sản ở nước ta. Cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua chặng đường hơn 90 năm lãnh đạo, xây dựng và phát triển đất nước nhưng những kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên vẫn để lại nhiều bài học trong công cuộc xây dựng Đảng giai đoạn hiện nay, trong đó đúc kết lại có ba bài học lớn:

Một là bài học xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và phát triển đường lối của Đảng đúng đắn

Sự kiên định với tư tưởng lý luận vô sản và đường lối lãnh đạo đúng đắn là cốt lõi cho sự tồn vong của Đảng. Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Tuy vậy, cần có những bước đi phù hợp với từng giai đoạn cụ thể chứ không áp dụng máy móc. Ngày nay, đường lối Đảng đã và đang khẳng định tính đúng đắn khi đưa điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển theo đúng quy luật của chủ nghĩa Mác-Lênin, đạt được nhiều thành tựu lớn, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong Tổng kết nhiệm kỳ khóa XII: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Về phương tiện tuyên truyền, ngoài sách, tư liệu, báo chí là phương tiện vũ khí tư tưởng sắc bén của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Hiện nay, Đảng ta chủ trương: “Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội theo hướng thiết thực”, trực tiếp tác động vào nhận thức của quần chúng về tính đúng đắn của đường lối Đảng, chấn chỉnh những quan điểm còn sai lệch và chống lại những luận điệu chống phá của thế lực phản động.

Về phương thức tuyên truyền, sự thắng lợi của phong trào “vô sản hóa” của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đã chứng minh rằng: việc truyền bá tư tưởng, lý luận phải có sự kết hợp với thực tiễn mới có thể tạo ra sức ảnh hưởng rộng rãi. Cũng như giai đoạn hiện nay, các Đảng viên, quần chúng phải ra sức vận dụng đường lối, lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc vận hành nền kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước. Xây dựng Đảng trong bối cảnh hết sức khó khăn khi cách mạng thế giới trong giai đoạn thoái trào, các thế lực tư bản thừa cơ tiến công vào CNXH, nếu lập trường chính trị của quần chúng, đặc biệt là Đảng viên, không giữ vững thì rất dễ bị lợi dụng, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam.

Hai là bài học về xây dựng và chỉnh đốn Đảng

Nếu như những năm 20 của thế kỷ XX, khi Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đang tiến những bước đầu vào công cuộc truyền bá đường lối cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, thì những năm 20 của thế kỷ XXI, Đảng và nhà nước đang ra sức chỉnh đốn, giữ vững và phát triển tư tưởng chủ nghĩa. Đặc biệt trong bối cảnh có bộ phận suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng, đạo đức, lối sống, thậm chí có người công khai bày tỏ không đồng tình với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức càng được đẩy mạnh. Đặt ra trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng, công tác chỉnh đốn đã tạo được sự thống nhất cao hơn về tư tưởng chính trị, khắc phục được tình trạng lỏng lẻo trong sinh hoạt Đảng. Nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng đã bị xử lý, kỷ luật, gồm cả cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, ý thức trách nhiệm của cán bộ đối với công việc được giao được nâng lên, góp phần củng cố niềm tin nhân dân đối với Đảng ta.

Ba là bài học xây dựng Đảng về tổ chức.

Cơ cấu tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đề cao tính tập trung dân chủ và cũng chính là nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị ngày nay. Tuy nhiên so với tổ chức của hội thì của thì tổ chức của Đảng đòi hỏi phức tạp và chặt chẽ hơn, do vậy các Nghị quyết đại hội luôn chú trọng tinh gọn và nâng cao hiệu quả từng đầu mối, tránh chia rẽ lực lượng. Chuẩn bị về nhân lực là một trong những điểm sáng làm nên thành công của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, công tác chuẩn bị nhân lực cũng được chú trọng trong xây dựng Đảng hiện nay. Cũng giống như Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên là bước quá độ trong điều kiện chưa chín muồi về tư tưởng, các môn học bắt buộc như Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng... trong chương trình đào tạo giáo dục như một bước chuẩn bị quan trọng để củng cố nhận thức, định hướng tư tưởng cho quần chúng đủ điều kiện kết nạp Đảng. Số lượng các lớp bồi dưỡng, phát triển và kết nạp Đảng viên mới đang gia tăng cả về mặt số lượng và chất lượng, củng cố nguồn nhân lực dồi dào về mặt tổ chức cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, Đảng ta đã thay đổi, bố trí lại hàng loạt cán bộ để đáp ứng yêu cầu của cơ chế quản lý mới trong điều kiện kinh tế thị trường: bên cạnh những cán bộ lâu năm, vững vàng về chính trị, đã chú ý đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ, năng động, hội nhập.

KẾT LUẬN

Sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của cách mạng Việt Nam theo khuynh hướng vô sản. Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Ái Quốc. Vai trò quan trọng của Hội trong việc chuẩn bị về mặt đường lối, tư tưởng, lý luận và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng Đảng, là nguyên tắc giải quyết các vấn đề thời sự trong giai đoạn hiện nay.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam (dành cho bậc đại học hệ không chuyên Lý luận chính trị), Nxb. CTQG sự thật, Hà Nội, 2021.

  2. Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Tài liệu bồi dưỡng Lý luận chính trị dành cho học viên lớp đối tượng kết nạp Đảng, Nxb. CTQG sự thật, 2020.

  3. Nguyễn Phú Trọng, Xây dựng chỉnh đốn Đảng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2012.

  4. Phạm Xanh, Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam (1921-1930), Nxb. CTQG, 2009.

  5. Vũ Như Khôi, Đảng Cộng sản Việt Nam 90 năm (1930-2020) - Những chặng đường lịch sử vẻ vang, Nxb. CAND, 2020.

  6. Trịnh Nhu (chủ biên), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập I (1930-1954), Quyển 1 (1930-1945), Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Viện lịch sử Đảng, Nxb. CTQG sự thật, 2018.

  7. TS. Vũ Ngọc Lương, Tìm hiểu về Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. CAND, 2020.

  8. Mai Văn Chính (2020), “Những dấu ấn trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, Tạp chí xây dựng Đảng, http://www.xaydungdang.org.vn/Home/To-chuc/2020/14292/Nhung-dau-an-trong-sap-xep-to-chuc-bo-may-cua-he.aspx, truy cập ngày 20/4/2022.

  9. TS. Nguyễn Văn Phương (2022), “Vận dụng tư tưởng tác phẩm “Đường cách mệnh” trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, Tuyên giáo, https://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/van-dung-tu-tuong-tac-pham-duong-cach-menh-trong-xay-dung-chinh-don-dang-138451, truy cập ngày 20/4/2022.

  10. TS. Bùi Thế Đức, “90 năm đất nước đi lên dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/tieu-diem/90-nam-dat-nuoc-di-len-duoi-la-co-ve-vang-cua-dang-547673.html, truy cập ngày 20/4/2022.


Comentarios


Post: Blog2 Post

HLUer Docs

87 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội

Mẫu đăng ký nhận

Cảm ơn bạn đã gửi!

©2021 by Trang Do Quynh. Proudly created with Wix.com

  • Twitter
  • LinkedIn
bottom of page