top of page

Biện pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp quốc tế của Việt Nam

Đề bài môn Công pháp quốc tế:

Bình luận thực tiễn áp dụng các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế của Việt Nam.

Biện pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp quốc tế của Việt Nam - HLUER DOCS

Nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế (GQTCQT) là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Các nội dung cụ thể của nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) năm 1970 (Tuyên bố 1970) – văn bản được tòa án quốc tế và các học giả có uy tín xem là văn bản có giá trị giải thích Hiến chương LHQ [1]. Là một quốc gia ưa chuộng hòa bình, thực tiễn Việt Nam đã và đang giải quyết các TCQT của mình bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở lập trường nhất quán về nguyên tắc hoà bình GQTCQT, được thế giới đánh giá cao.


Tổng quan về biện pháp hòa bình GQTCQT


Tranh chấp quốc tế là gì?

Căn cứ vào thực tiễn có thể hiểu, tranh chấp quốc tế là hoàn cảnh thực tế mà trong đó các chủ thể tham gia (chủ thể của luật quốc tế) có những quan điểm trái ngược hoặc mâu thuẫn và có những yêu cầu hay đòi hỏi cụ thể trái ngược nhau [Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.394]

Sự xuất hiện của các TCQT tất yếu dẫn đến hình thành các biện pháp GQTCQT khác nhau, chúng đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản khi GQTC quốc tế.


Khái quát biện pháp hòa bình GQTCQT

Nguyên tắc hòa bình GQTCQT là một nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất của luật quốc tế, được ghi nhận trong Điều 1(1), Điều 2(3), Điều 33 của Hiến chương LHQ và không có ngoại lệ. Các nội dung cụ thể của nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố 1970 có một số nội dung đã nhận được sự đồng thuận cao và được công nhận là tập quán quốc tế (xem phụ lục). Từ cơ sở nguyên tắc này, trong văn bản pháp lý quan trọng này có quy định cụ thể một số cách thức GQTC quốc tế mà lịch sử gọi là biện pháp hòa bình GQTC. Theo điều 33 Hiến chương thì các bên có quyền tự do lựa chọn một trong các biện pháp phi vũ trang sao cho phù hợp và hiệu quả nhất gồm: Nhóm 1, các biện pháp mang tính chất ngoại giao, gồm đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, sử dụng những tổ chức hoặc những hiệp định khu vực; Nhóm 2, các biện pháp tư pháp, thông qua các Tòa án quốc tế và Trọng tài quốc tế. Trong đó, các biện pháp ngoại giao, đặc biệt là đàm phán (thương lượng) thường được ưu tiên áp dụng hơn các biện pháp tư pháp2. Với việc mở rộng nhanh chóng về thành viên của LHQ và thực tiễn áp dụng, nguyên tắc này đã có vị trí chắc chắn trong tập quán quốc tế và có hiệu lực ràng buộc với mọi quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia không là thành viên của LHQ.


Bình luận thực tiễn áp dụng biện pháp hòa bình GQTC ở Việt Nam.


Lập trường nhất quán và phương pháp áp dụng biện pháp hòa bình GQTC của Việt Nam.

Lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam tái khẳng định lập trường này khi chính thức gia nhập LHQ năm 1977, cùng vai trò thành viên của một loạt ĐƯQT quan trọng về hòa bình GQTCQT (như: Công ước luật biển 1982, Công ước Lahay năm 1899 và 1907, Hiến chương ASEAN,...), nỗ lực đưa biện pháp này vào các văn kiện quốc tế như của ASEAN, kể cả DOC; “Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông”; dự thảo COC (thống nhất nguyên tắc COC phải sử dụng UNCLOS làm cơ sở).

Trong các biện pháp hòa bình GQTC, đàm phán trực tiếp được coi là biện pháp pháp lý hữu hiệu và phổ biến nhất mà Việt Nam sử dụng, thường có kết quả đi đến các ĐƯQT ràng buộc quyền và nghĩa vụ các bên. Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực sử dụng các biện pháp ngoại giao khác như gửi công hàm cho LHQ (đàm phán thông qua trung gian) trong cuộc chiến tranh chấp biên giới phía Bắc năm 1979 hay trong việc khẳng định chủ quyền ở biển Đôn tại Công hàm số 25/HC-2020 Việt Nam gửi tới Liên Hợp Quốc ngày 10/4/2020 phản đối lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, và các cuộc tiếp xúc cấp cao trao đổi, kêu gọi TQ nghiêm chỉnh thực hiện các ĐƯQT để giải quyết hòa bình vấn đề chủ quyền biển, đảo trên biển Đông. Từ thời chiến, Việt Nam đã nỗ lực cùng các “ông lớn” Mỹ, Pháp, ngồi vào bàn đàm phán kí kết các hiệp định (Paris, Giơ-ne-vơ...) để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho con người và chấm dứt triệt để TCQT, điều mà chiến tranh và vũ lực không thể làm được. Trải qua lịch sử ngàn năm chiến tranh giành độc lập, giờ đây Việt Nam luôn muốn bảo vệ hòa bình của chính dân tộc mình bằng biện pháp hoà bình GQTC. Sự thiện chí đó của Việt Nam được thế giới đánh giá cao, đặc biệt là các nước có mối quan hệ ngoại giao – chính trị với Việt Nam. Quan điểm nhất quán này được thể hiện rõ trong Hiến pháp Việt Nam 2013 tại Điều 12. Trong bối cảnh các TCQT và những mối đe dọa trong khu vực biển Đông đang có xu hướng ngày càng phức tạp suốt thời gian dài vừa qua, Đảng và nhà nước ta vẫn kiên định với lập trường của mình.


Phạm vi tranh chấp và một số thành tựu GQTCQT bằng biện pháp hòa bình của Việt Nam.

TCQT diễn ra trên nhiều lĩnh vực, ở Việt Nam, chủ yếu và phổ biến nhất có thể kể đến: tranh chấp thương mại quốc tế và tranh chấp biên giới, lãnh thổ. Trong phạm vi điều chỉnh của Luật Quốc tế, bài tiểu luận này chỉ đề cập đến các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực biên giới, lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm:


Tranh chấp biên giới trên bộ (vùng đất)

Từ khi giành được chủ quyền và thiết lập quan hệ quốc tế, Việt Nam đã phải đàm phán ký kết rất nhiều ĐƯQT để giải GQTC liên quan đến biên giới lãnh thổ: ký với TQ 08 điều ước song phương (1991-2015); ký với Campuchia 07 điều ước song phương (từ 1983-2019); ký với Lào 09 điều ước song phương (1977-2016); Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới giữa Việt Nam, Lào và TQ ngày 10/10/2006; Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới giữa Việt Nam, Lào và Campuchia ngày 26/8/2008.


Tranh chấp lãnh thổ trên biển (vùng nước)

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả UNCLOS để GQTC về phân định biển với các nước láng giềng qua thực tiễn đàm phán, ký kết các văn kiện ĐƯQT, cụ thể là: ký với Thái Lan Hiệp định về phân định biển ngày 9/8/1997; ký với TQ Hiệp định về phân định vịnh Bắc Bộ, Hiệp định hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000 và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển ngày 10/11/2011; ký với Indonesia Hiệp định về phân định thềm lục địa ngày 26/6/2003; ký với Campuchia Hiệp định phân định vùng nước lịch sử ngày 7/7/1982... Trên cơ sở quy định của UNCLOS và các Hiệp định đã đạt được, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy đàm phán phân định và hợp tác cùng phát triển tại khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ với TQ; phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia và về các vấn đề trên biển với các nước láng giềng khác4.

Có thể thấy, Việt Nam không chỉ chủ động thực hiện nghiêm túc các quy định của luật quốc tế về biện pháp hòa bình GQTCQT mà còn luôn có ý thức thúc đẩy việc tôn trọng và thực hiện đầy đủ biện pháp đó trong quan hệ đối ngoại, ủng hộ và đóng góp tích cực vào các hoạt động khuôn khổ cơ chế quốc tế, phản ánh lòng mong muốn cùng các nước láng giềng xây dựng môi trường hoà bình, ổn định, phục vụ cho công cuộc bảo vệ và phát triển kinh tế đất nước.


Thực tiễn vụ việc phân định vịnh Bắc Bộ Việt Nam – TQ.

Vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ đặt ra sau khi có sự phát triển của luật biển quốc tế do Vịnh Bắc Bộ là một vịnh hẹp nên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam và TQ đều bị chồng lấn lên nhau – nguyên nhân dẫn đến những vụ việc tranh chấp phức tạp về đánh bắt hải sản và thăm dò khai thác dầu khí xảy ra khi chưa có đường biên giới, gây bất ổn định và ảnh hưởng không tốt đến quan hệ hai nước, hạn chế việc khai thác bền vững và hiệu quả tiềm năng của vịnh. Vì vậy đặt ra sự cần thiết phải tiến hành đàm phán.

Trải qua quá trình kiên trì đàm phán kéo dài 27 năm (từ năm 1974), thực chất chỉ có hiệu quả từ năm 1993 (thời điểm thuận lợi trong quan hệ ngoại giao 2 nước), ngày 25/12/2000, Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và Hiệp định hợp tác nghề cá trong VBB đã được ký kết giữa 2 quốc gia tại Bắc Kinh trên cơ sở đồng ý áp dụng UNCLOS trong thỏa thuận được ký kết năm 1993 [2]. Giai đoạn đầu đàm phán không thuận lợi do quan điểm khác xa nhau về lợi ích dân tộc, nhận thức được điều đó, chúng ta đã đề xuất những giải pháp thiện chí hơn, và tinh thần đó luôn được đánh giá cao nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán, trong khi TQ không thể hiện bước nhân nhượng gì mới [3]. Nguyên tắc đàm phán của ta là vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn, đứng trên lợi ích quốc gia dân tộc với quan điểm luôn phải tuân thủ quy định của Hiến chương LHQ trong đó có UNCLOS và thực tiễn khách quan của Vịnh Bắc Bộ: sử dụng đường trung tuyến có điều chỉnh, công bằng không đồng nghĩa với chia đôi [Đào Xuân Tuấn, tr.39,40].

Nhân dân ta đón nhận việc ký kết hai hiệp định như một thành công lớn trong hoạt động đối ngoại hai nước, nhân tố quan trong trong việc tăng cường, thúc đẩy quan hệ Việt – Trung kể từ sau bình thường hóa năm 1991, góp phần vào hòa bình ổn định khu vực và thế giới. Chính nhờ sự quán triệt chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong nguyên tắc hòa bình GQTCQT mà tranh chấp đã được giải quyết tốt đẹp, Việt Nam đã giải quyết dứt điểm được một trong ba vấn đề biên giới lãnh thổ vốn tồn tại lâu đời với TQ (biên giới trên bộ, Vịnh Bắc Bộ và biển Đông).


KẾT LUẬN

Nguyên tắc hòa bình GQTC quốc tế ra đời gắn liền với lịch sử thế giới hiện đại, là hệ quả tất yếu của nguyên tắc cấm dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Là một thành viên của LHQ, có mối quan hệ ngoại giao hợp tác sâu rộng với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Việt Nam vẫn đang tích cực đóng góp và duy trì cơ chế hòa bình cho toàn cầu. Việt Nam luôn thiện chí sẵn sàng giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế.


PHỤ LỤC

TUYÊN BỐ NĂM 1970

Quy định các nghĩa vụ cụ thể của các quốc gia trong nguyên tắc hòa bình giải quyết TCQT, cụ thể như sau:

  • Nghĩa vụ giải quyết các TCQT bằng các biện pháp hòa bình theo cách thức không gây nguy hiểm cho hòa bình, an ninh và công lý quốc tế;

  • Nghĩa vụ tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp một cách nhanh chóng và công bằng thông qua đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, biện pháp tư pháp, sử dụng các tổ chức hay dàn xếp quốc tế hoặc các biện pháp hòa bình khác theo sự lựa chọn của các bên, phù hợp với hoàn cảnh và bản chất của tranh chấp;

  • Nghĩa vụ tiếp tục tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp bằng những biện pháp hòa bình mà các bên chấp nhận trong trường hợp chưa thể giải quyết tranh chấp bằng bất kỳ biện pháp hòa bình nêu trên;

  • Nghĩa vụ hạn chế có hành động có thể làm xấu đi tình huống gây nguy hiểm cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và phải hành động theo cách thức phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Liên hợp quốc.

Trong 4 nghĩa vụ cụ thể trên, nghĩa vụ không gây nguy hiểm cho hòa bình, an ninh quốc tế và nghĩa vụ tiếp tục tìm kiếm giải pháp hòa bình là những nghĩa vụ được sự đồng thuận cao và được công nhận là tập quán quốc tế.


CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ BIÊN GIỚI, LÃNH THỔ VỚI CÁC NƯỚC LÁNG GIỀNG VIỆT NAM ĐÃ KÝ KẾT

  • Việt Nam – Trung Quốc: 08 điều ước về biên giới lãnh thổ trên đất liền: VN-TQ1. Hiệp định tạm thời giải quyết công việc trên vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc năm 1991; VN-TQ2. Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1993; VN-TQ3. Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1999; VN-TQ4. Nghị định thư phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc năm 2009; VN-TQ5. Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc năm 2009; VN-TQ6. Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc năm 2009; VN-TQ7. Hiệp định về hợp tác, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc năm 2015; VN-TQ8. Hiệp định về tàu thuyền tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân năm 2015.

  • Việt Nam – Lào: 09 điều ước song phương về biên giới, lãnh thổ đất liền: VN-LAO1. Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam – Lào năm 1977; VN-LAO2. Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới giữa Việt Nam và Lào năm 1986; VN-LAO3. Nghị định thư về việc phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới Việt Nam – Lào năm 1986; VN-LAO4. Nghị định thư bổ sung Nghị định thư về việc phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới Việt Nam – Lào năm 1987; VN-LAO5. Hiệp định về quy chế biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào năm 1990; VN-LAO6. Nghị định thư sửa đổi và bổ sung Hiệp định về quy chế biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào năm 1997; VN-LAO7. Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào năm 2007; VN-LAO8. Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa Việt Nam và Lào năm 2016; VN-LAO9. Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam và Lào năm 2016.

  • Việt Nam – Campuchia: 07 điều ước song phương về biên giới, lãnh thổ đất liền: VN-CAM1. Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Campuchia năm 1983; VN-CAM2. Hiệp định về quy chế biên giới giữa Việt Nam và Campuchia năm 1983; VN-CAM3. Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia năm 1985; VN-CAM4. Thông cáo báo chí của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Campuchia năm 1995; VN-CAM5. Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia năm 2005; VN-CAM6. Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia năm 2019; VN-CAM7. Nghị định thư phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia năm 2019.

[1] Trần Hữu Duy Minh, Nhìn lại nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế trong luật pháp quốc tế và vấn đề Biển Đông giữa Việt Nam và TQ, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 1(108) /2017, tr. 129,130.

[2] TS. Nguyễn Hồng Thao, Đàm phán phân định và nghề cá trong vịnh Bắc Bộ, Tạp chí Luật học số 3/2001, tr.54.

[3] Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1993.



TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật quốc tế, Nxb. CAND, Hà Nội, 2019.

  2. Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945.

  3. Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1970 về các nguyên tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ hợp tác giữa các quốc gia.

  4. Công ước của Liên hợp quốc năm 1982 về luật biển (UNCLOS).

  5. Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1993.

  6. Các văn kiện pháp lý của Ủy ban biên giới quốc gia – Bộ Ngoại Giao: http://biengioilanhtho.gov.vn/vi/van-kien-phap-ly.html

  7. Trần Hữu Duy Minh, Nhìn lại nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế trong luật pháp quốc tế và vấn đề Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 1(108)/2017, tr. 129-144.

  8. PGS.TS. Nguyễn Trung Tín, Giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế trên Biển Đông, Tạp chí Lập pháp số 23(231)/2012, tr. 19-25.

  9. TS. Nguyễn Hồng Thao, Đàm phán phân định và nghề cá trong vịnh Bắc Bộ, Tạp chí Luật học số 3/2001, tr.54-58.

  10. Đào Xuân Tuấn, Quá trình phân định biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ (1993-2000), Luận văn thạc sĩ lịch sử Việt Nam, Học viện Khoa học xã hội, 2018.

  11. Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam, Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, http://www.vasi.gov.vn/tin-trung-uong/viet-nam-chu-truong-giai-quyet-tranh-chap-tren-bien-bang-bien-phap-hoa-binh/t708/c235/i1604, truy cập ngày 26/11/2020.

  12. Thông tin cơ bản về các điều ước về biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam và các nước láng giềng, https://iuscogens-vie.org/2018/04/22/72/ , truy cập ngày 26/11/2020.

  13. Cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979 qua những công hàm gửi đến Liên hợp quốc của hai nước trong tháng 02 và 03 năm 1979, https://iuscogens-vie.org/2019/02/16/112/ , truy cập ngày 26/11/2020.

  14. Báo Tuổi trẻ, Phân định vịnh Bắc bộ: Giải pháp công bằng, https://tuoitre.vn/phan-dinh-vinh-bac-bo-giai-phap-cong-bang-39879.htm , truy cập ngày 27/11/2020.

  15. Báo Vietnamnet, Hai nhóm biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, https://vietnamnet.vn/vn/chu-quyen-hoang-sa-truong-sa/hai-nhom-bien-phap-giai-quyet-tranh-chap-quoc-te-bang-bien-phap-hoa-binh-420531.html , truy cập ngày 27/11/2020.


Comments


Post: Blog2 Post

HLUer Docs

87 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội

Mẫu đăng ký nhận

Cảm ơn bạn đã gửi!

©2021 by Trang Do Quynh. Proudly created with Wix.com

  • Twitter
  • LinkedIn
bottom of page