top of page

So sánh nghề thẩm phán ở Việt Nam và nghề thẩm phán ở Hoa Kỳ

Đã cập nhật: 22 thg 7, 2022

Tổng quan: Ngày nay, ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Thẩm phán là chức danh cao quý, được người dân và xã hội ngưỡng mộ, tin tưởng và đặc biệt tôn trọng. Bên cạnh những đòi hỏi cao về chuyên môn, nghiệp vụ, các tiêu chuẩn về đạo đức của thẩm phán là những điều kiện không thể thiếu để các thẩm phán thực thi quyền tư pháp một cách vô tư, khách quan, công bằng, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; xứng đáng là chỗ dựa của người dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia có nền tư pháp phát triển hàng đầu, khi nghiên cứu về nền tư pháp Hoa Kỳ bất kỳ ai cũng có thể đặt ra những câu hỏi về sự khác biệt nền tẳng pháp luật của các chức danh tư pháp như thẩm phán để có thể học hỏi, cải thiện nền tư pháp của nước nhà. Vậy nghề thẩm phán ở Việt Nam và Hoa Kỳ có điểm gì giống và khác nhau?

1. Định nghĩa: Thẩm phán

Theo pháp luật Việt Nam: Thẩm phán là người được bổ nhiệm theo quy định của PL để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án. Tại Hoa Kỳ (HK), định nghĩa TP đa dạng tùy thuộc vào từng bang, theo New Hampshire: “TP là một trọng tài của PL cho việc giải quyết tranh chấp và là một biểu tượng rất rõ ràng của chính quyền theo luật pháp.” (Rules of the supreme court of the state of New Hampshire)

Thẩm phán được coi là nhân tố trung tâm của Tòa án. Thẩm phán là những người thay mặt cho Nhà nước sử dụng quyền lực nhà nước để thực hiện quyền tư pháp: đưa ra các phán quyết nhằm giải quyết sự tranh chấp giữa các bên hoặc phán quyết việc áp dụng các biện pháp chế tài để xử lý các hành vi vi phạm PL trong các vụ án thuộc thẩm quyền, đảm bảo sự tôn trọng và thực thi PL, thực thi công lí trong đời sống xã hội. Do vậy vị trí, vai trò TP rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến kết quả cuối cùng trong hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung cũng như Toà án nói riêng.


2. Đặc điểm nghề Thẩm phán:

Là một ngành đặc thù đòi hỏi trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực PL, chính trị và xã hội, do vậy nghề TP thế giới đều có những đặc điểm sau:

- Tính đặc thù trong áp dụng PL: TP phải là người đưa ra phán quyết dựa trên những chứng cứ khách quan, thực tế, không định kiến với mục đích duy nhất là bảo vệ công lý.

- HĐXX là một cuộc đấu tranh tìm ra sự thực khách quan, hoạt động này chịu sự giám sát nghiêm ngặt của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

- Nghề TP đòi hỏi một con người toàn diện, am hiểu chính trị - xã hội, bản lĩnh vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, vô tư khách quan.

- HĐXX của TP tuân theo một trình tự tố tụng chặt chẽ do PL quy định.

Đặc biệt đối với hệ thống chính trị theo mô hình “tam quyền phân lập” ở HK, khi mà sự độc lập tư pháp được đặc biệt coi trọng thì HĐXX thực hiện quyền tư pháp lại càng đòi hỏi yêu cầu chặt chẽ hơn về cả nội dung và hình thức.


3. Điều kiện trở thành Thẩm phán:

3.1. Ở Việt Nam:

Tiêu chuẩn chung TP ở Việt Nam được quy định tại điều 67 Luật TCTAND 2014 và điều 1 Thông tư số 01/2011/TTLT-TANDTC-BQP-BNV. Theo đó nền tảng phải có trình độ cử nhân Luật trở lên, được đào tạo nghiệp vụ, có thời gian công tác PL thực tiễn, trải qua kỳ thi tuyển chọn… Người có đủ tiêu chuẩn tại điều 67 sẽ xét tới các điều kiện tiếp theo ở điều 68; 69 Luật này để trở thành các ngạch TP khác nhau. Theo đó đúng quy trình thì phải có tối thiểu: 5 năm làm công tác PL để trở thành TP sơ cấp; 20 năm để trở thành TP TANDTC (ngoài ra còn có trường hợp đặc biệt như điều động, tuyển chọn từ những chức vụ quan trọng trong các CQNN cấp cao khác).

Có 4 ngạch TP TAND chính: tối cao, cao cấp, trung cấp và sơ cấp.

Thẩm phán được Chủ tịch nước bổ nhiệm, do Hội đồng tuyển chọn TP TAND trực tiếp xem xét, tuyển chọn.


3.2. Ở Hoa Kỳ:

Khác với VN, Hiến pháp và luật pháp ở Hoa Kỳ không quy định rõ về điều kiện để trở thành TP. Không hề có một kỳ thi nào, không có quy định về độ tuổi tối thiểu, về việc các TP phải là công dân bản xứ hoặc công dân thường trú hợp pháp, và cũng không có yêu cầu việc phải có bằng tốt nghiệp ngành Luật.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, hầu hết các TP tại HK đều phải trải qua một quá trình hành nghề Luật sư kéo dài trong vòng một thập kỉ hoặc hơn để có những hiểu biết chuyên sâu ở một vài lĩnh vực nhất định. Quá trình học tập của các thẩm phán cho chúng ta thấy đôi điều về phẩm chất ưu tú của họ. Thủ tục tuyển chọn TP TATC trải qua một quá trình chọn lọc rất khắt khe: Tổng thống bổ nhiệm sau tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia thuộc các tổ chức chính trị khác nhau , FBI kiểm tra an ninh, UBTPTV điều trần, Thượng viện phê chuẩn… Tổng thống đề cử tất cả các ứng cử viên ở các ngạch TP theo lý thuyết, nhưng thực tế thường quan tâm nhiều hơn đến ngạch TP TATC. Sau đó TP phải trải qua một chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên biệt khác nhau ở từng cấp TP.

    Hiến pháp chỉ nêu rõ rằng “quyền lực về tư pháp của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cần phải được trao cho một Tòa án tối cao” cũng như các tòa án liên bang cấp thấp hơn khác mà Quốc hội có thể lập ra (Điều III, Mục 1) và rằng tổng thống, “do và cùng với sự tư vấn và đồng thuận của Thượng viện, sẽ bổ nhiệm… các TP của TATC” (Điều II, Mục 2). Quốc hội đã áp dụng quy trình lựa chọn tương tự đối với tòa sơ thẩm và phúc thẩm. 
    Theo dữ liệu về các TP TATC  phục vụ trong những thập niên gần đây tại HK: Tất cả đều tốt nghiệp đại học/cao đẳng; có bằng cử nhân Luật trở lên, đã từng hành nghề luật và nhiều người trong số họ đã làm TP của TA nào đó trước khi được bổ nhiệm làm TP TATC, độ tuổi trung bình khi được bổ nhiệm là 49. Để trở thành luật sư ở HK, trước hết họ phải tốt nghiệp đại học về một lĩnh vực nào đó, sau đó thi vào trường Luật. Khoảng một nửa trong số họ đã theo học tại các trường đại học nổi tiếng ở miền Đông Bắc nước Mỹ với học phí rất đắt đỏ hoặc các trường đại học tư khác để lấy bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng chuyên khoa luật. Tại đây, học viên sẽ phải học trong vòng 3 năm các môn lý thuyết và thực hành về luật. Sau khi tốt nghiệp trường luật, học viên thi đỗ kỳ thi tư pháp quốc gia sẽ có bằng hành nghề luật sư. Đây được coi là nguồn nhân lực chính trong quá trình đào tạo và bồi dưỡng TP. Các TP cũng khác với toàn bộ công chúng nói chung ở chỗ họ có một xu hướng mạnh mẽ về “tính kế nghiệp” – có nghĩa là các TP thường xuất thân từ những gia đình có truyền thống làm việc trong lĩnh vực tư pháp hoặc dịch vụ công. 
    Chương trình bồi dưỡng TP của hệ thống Tòa án liên bang do Trung tâm tư pháp liên bang HK thiết lập, còn đối với các hệ thống Tòa án bang, mỗi bang có một kiểu bồi dưỡng riêng, không bang nào giống bang nào.

Có 3 ngạch TP chính: TP TATC, TP tòa phúc thẩm, TP tòa sơ thẩm (TA Quận).


4. Các chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán:

Căn cứ vào hai Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của VN và HK (5 Canon), ta có thể so sánh những chuẩn mực đạo đức của 2 quốc gia qua bảng sau:

Việt Nam

Hoa Kỳ

Tương đồng

Tính độc lập tư pháp


Sự công bằng, bình đẳng.

Sự tận tụy, không chậm trễ.

Ưu tiên sử dụng quỹ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ xét xử.

Thực hiện các nhiệm vụ một cách công bằng và siêng năng.

Tránh sự xuất hiện không thích hợp trong tất cả các hoạt động.

Khác biệt

Sự liêm chính, không vị lợi; Sự vô tư khách quan; Sự đúng mực; Năng lực và sự chuyên cần: luôn rèn luyện bản thân.

Kiềm chế hoạt động chính trị. Khuyến khích tham gia vào các hoạt động công cộng phù hợp với các nghĩa vụ của Văn phòng Tư pháp.

Một trong những điểm chung quan trọng nhất của 2 bộ quy tắc đó là điều khoản về tính độc lập tư pháp: khả năng đưa ra phán quyết độc lập dựa trên cơ sở chứng cứ trong hồ sơ và được xem xét tại phiên tòa mà không chịu ảnh hưởng, không can thiệp hoạt động bất kì chủ thể nào, chỉ tuân theo PL. Nó đảm bảo tính khách quan, công bằng trong các quyết định do Tòa án đưa ra.

Nguyên tắc được quy định tại khoản 2 điều 103 Hiến pháp 2013, khoản 1 điều 9 Luật TCTAND 2014: "Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm"
i. Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán Việt Nam:
Điều 3. Tính độc lập
1. Trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán tự quyết định trên cơ sở đánh giá của mình về tình tiết vụ việc, chứng cứ và chỉ tuân theo pháp luật; giữ gìn bản lĩnh nghề nghiệp để không bị tác động từ bất kỳ sự can thiệp nào.
2. Thẩm phán phải độc lập với các thành viên của Hội đồng xét xử; độc lập với những người tiến hành tố tụng khác; độc lập với các yếu tố tác động từ trong nội bộ và bên ngoài Tòa án.
3. Thẩm phán không được can thiệp vào hoạt động tố tụng của các thành viên Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng khác.
ii. Code of Conduct for United States Judges
Canon 1: A Judge Should Uphold the Integrity and Independence of the Judiciary
An independent and honorable judiciary is indispensable to justice in our society. A judge should maintain and enforce high standards of conduct and should personally observe those standards, so that the integrity and independence of the judiciary may be preserved. The provisions of this Code should be construed and applied to further that objective. 
Nhận xét: Tính toàn vẹn và độc lập của các TP phụ thuộc lần lượt vào phán quyết của họ mà không bị ảnh hưởng bởi bất kì yếu tố nào. Quy tắc được áp dụng nhất quán với các yêu cầu HP, đạo luật, các quy tắc khác của tòa án và phải tuân thủ Quy tắc này. Tuân thủ trách nhiệm này giúp duy trì niềm tin của công chúng vào sự công bằng của tư pháp. Ngược lại, vi phạm Bộ luật này làm giảm niềm tin của công chúng vào ngành tư pháp và làm tổn hại uy tín hệ thống chính quyền…

Những quy tắc ứng xử tại cơ quan, tại nơi công cộng, khi thực hiện nhiệm vụ, với cơ quan tổ chức cá nhân… cơ bản dựa trên những chuẩn mực đạo đức trên, nên sự giống và khác nhau cũng tương tự. Phần thông tin thêm xin nghiên cứu và tham khảo tại 2 bộ quy tắc của 2 quốc gia.

Việc xử lí vi phạm cũng khác nhau ở 2 quốc gia, tuy nhiên có thể thấy chung rằng dù vi phạm ở mức độ nào đều làm giảm uy tín, danh dự TP và ảnh hưởng đến niềm tin công lý nói chung của người dân.

- Ở Việt Nam: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà TP sẽ bị xử lí kỉ luật với các mức từ kiểm điểm đến bố trí làm công việc khác và không xem xét bổ nhiệm lại. Có thể bị truy cứu trách nhiệm đối với tội phạm hình sự hoặc bị cách chức trong một số trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử nghiêm trọng.

- Ở Hoa Kỳ: TP được bổ nhiệm theo điều III HP Hoa Kỳ sẽ không bị cách chức nếu vi phạm, cách thức duy nhất là thông qua việc luận tội. Còn đối với vi phạm đạo đức ứng xử, lịch sử HK chỉ ghi nhận hình thức khiển trách, trong những thập kỉ gần đây, đã có thêm các biện pháp kỉ luật TP.

i. Việt Nam: Quyết định số: 120/QĐ-TANDTC
Điều 4. Hình thức, hậu quả của việc xử lý trách nhiệm
1. Người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân có hành vi vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật thì có thể bị xử lý trách nhiệm bằng các hình thức sau đây:
a) Kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị;
b) Tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao;
c) Bố trí làm công việc khác;
d) Chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán;
đ) Không xem xét đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán.
Một ví dụ về lỉ luật TP tại Bạc Liêu mới đây (02/2020). Theo đó, TAND TP Bạc Liêu quyết định kỷ luật bằng hình thức “Kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị” đối với bà Lâm Thị Tuyết Anh vì vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử. (Xem Quyết định số 01/2020-QĐ-TA, https://congluan.vn/bac-lieu-ky-luat-tham-phan-vi-pham-quy-tac-dao-duc-va-ung-xu-post73557.html)
ii. Hoa Kỳ: Cách thức duy nhất khiến TP Liên bang bị cách chức là thông qua việc luận tội (cáo buộc bởi Hạ viện) và kết tội bởi Thượng viện, việc luận tội có thể được tiến hành với những tội danh “phản quốc, nhận hối lộ hoặc những tội mức độ cao và nghiêm trọng khác”, với 2/3 số phiếu thuận của các thành viên Thượng viện, và hình phạt là cách chức. 
Từ năm 1789, Hạ viện Mỹ chỉ khởi xướng thủ tục luận tội đối với 13 TP, mặc dù có một số lượng tương tự các TP đã từ chức trước khi có hành động chính thức chống lại họ. Trong số 13 trường hợp này, chỉ có 7 trường hợp bị kết tội, và những người bị kết tội đã bị cách chức. 
Các TP hoặc chánh án Bang có thể bị bãi nhiệm, cách chức sau quá trình điều tra vi phạm đạo đức, hoặc bị bãi nhiệm thông qua luận tội, bỏ phiếu bất tín nhiệm trong bang.

Nhận xét: Có thể nói các TP HK được ưu tiên bảo vệ hơn nhiều so với các TP VN, điều này có thể trở thành động lực để họ hoàn thành tốt hơn trách nhiệm mà xã hội giao cho.


5. Chế độ thẩm phán – Thực tiễn hành nghề:

Nhiệm kì một TP Việt Nam là 5 năm. Hệ số lương của TP VN dao động từ 2,34 – 8,00 so với mức lương cơ sở . Theo mức lương cơ sở hiện nay thì dao động từ 3,5-12 triệu VND/tháng.

Theo khoản 1 điều III Hiến pháp Hoa Kỳ: Các TP sẽ giữ chức vụ của mình đến suốt đời nếu luôn luôn có hành vi chính đáng kèm theo quy định không được giảm lương của thẩm phán để bảo vệ TP khỏi áp lực của Quốc hội, cơ quan khác, đảm bảo sự độc lập tối đa của ngành Tư pháp.

Nhận xét: việc học hỏi những quy tắc này của HK cũng là sự cần thiết để tạo sự an tâm, địa vị vững chãi để các TP không bị ảnh hưởng bởi tiền bạc hay thế lực khác, củng cố ý thức xây dựng đạo đức pháp luật tốt hơn ở VN. Tuy nhiên sự tiếp thu cũng cần chọn lọc phù hợp với điều kiện và hệ thống PL nước ta.


KẾT LUẬN

Thẩm phán là những người phải được tự do hành động độc lập, công đức và thiện chí, nhưng cũng phải chịu trách nhiệm nếu họ có hành vi sai trái. Trong quá trình hội nhập toàn cầu hiện nay, cùng với những yếu tố tích cực của hội nhập là những yếu tố tiêu cực đang làm cho tình hình tội phạm, sự gian lận trong thương mại và các tranh chấp trong đời sống xã hội ngày có chiều hướng gia tăng nhiều hơn. Do đó, đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực không chỉ ở chính quyền trong việc cập nhật quy tắc xử sự, mà còn cán bộ, công chức ngành Toà án, đặc biệt ở Thẩm phán trong việc bồi dưỡng đạo đức, ý thức pháp luật, để hoàn thành tốt sứ mệnh thiêng liêng của mình.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quy tắc ứng xử và đạo đức đối với thẩm phán Hoa Kỳ - Code of Conduct for United States Judges 1973, sửa đổi lần cuối ngày 12 tháng 3 năm 2019.

  2. Đặng Thanh Nga, Các phẩm chất nhân cách cơ bản của thẩm phán, Tạp chí Luật học, Số 5/2002, tr. 41 – 46.

  3. Trần Thị Thanh Bình (2014): Xây dựng ý thức pháp luật của TP trong bối cảnh cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay, Khoa Luật – ĐHQGHN.

  4. Website

https://www.uscourts.gov/

https://usis.us/luat-di-tru


Comments


Post: Blog2 Post

HLUer Docs

87 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội

Mẫu đăng ký nhận

Cảm ơn bạn đã gửi!

©2021 by Trang Do Quynh. Proudly created with Wix.com

  • Twitter
  • LinkedIn
bottom of page