Giá trị pháp lý của án lệ và thực tiễn áp dụng
- Trang Đỗ Quỳnh
- 1 thg 2, 2022
- 9 phút đọc
Đã cập nhật: 22 thg 7, 2022
Tổng quan: Là một nguồn luật đặc trưng của các nước Common Law (còn gọi là hệ thống thông luật, HTPL Anh - Mỹ), trong xu thế hài hòa hóa pháp luật, án lệ dần được hợp pháp hóa thành nguồn luật ở cả các quốc gia có truyền thống luật thành văn như Việt Nam. Để áp dụng có hiệu quả án lệ, trước tiên cần nắm rõ giá trị pháp lý của nó. Bài viết sẽ làm rõ nội dung này và bình luận về thực tiễn áp dụng của án lệ trong HTPL Việt Nam.

1. Khái quát về án lệ
Bắt nguồn từ hệ thống Common Law, án lệ (“case law” hay “precedent”) được biết tới như một “sản phẩm” ra đời trong quá trình xét xử của cơ quan tư pháp. Tại Anh, án lệ được hiểu là “các quyết định, bản án của các vụ án đã được xét xử trước đó như là những tuyên bố có quyền uy trong pháp luật và dùng để làm cơ sở cho giải quyết các vụ việc tương tự sau đó”, đòi hỏi thẩm phán trong mỗi tòa án tuân theo theo nguyên tắc bắt buộc [1]. Án lệ được tạo ra để thực hiện hai nhiệm vụ chính đó là sáng tạo và giải thích pháp luật.
Ở Việt Nam, một quốc gia theo hệ thống Civil Law, án lệ không phải là một nguồn luật truyền thống. Sự công nhận chính thức án lệ như một nguồn luật đánh dấu từ sự ra đời của Luật tổ chức TAND 2014. Ngày nay, án lệ được hiểu là “những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn và được Chánh án TANDTC công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử” [2]. Như vậy, thẩm quyền ban hành án lệ chỉ thuộc về Hội đồng Thẩm phán TANDTC, các tòa án cấp dưới hay trọng tài không có thẩm quyền này. Khác biệt quan trọng nhất giữa án lệ ở Việt Nam và các mô hình khác đó là không hoàn toàn được hình thành từ một bản án nguyên gốc mà được lựa chọn và tổng hợp từ các bản án chung thẩm ở tất cả các cấp liên quan đến một vụ việc cụ thể, đặc biệt là các bản án giám đốc thẩm của TANDTC.
[1] Còn gọi là nguyên tắc “stare decisis” - “tiền lệ pháp” có nội dung chính là tòa cấp dưới phải tuân thủ: 1) án lệ tòa cấp trên và 2) án lệ do chính tòa án đó tạo ra. Tuy nhiên, kể từ tuyên bố của Thượng Nghị viện Anh năm 1966, nguyên tắc này chỉ được áp dụng theo khía cạnh thứ nhất ở hầu hết các tòa án thông luật. (xem Michael Bogdan, Luật so sánh, bản dịch tiếng Việt của Lê Hồng Hạnh và Dương Thị Hiền, Nxb. Kluer Law & Taxation, 1994, trang 97).
[2] Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn công bố và áp dụng án lệ (sau đây gọi tắt là “Nghị quyết 04”), thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP.
2. Giá trị pháp lý của án lệ tại Việt Nam
Thứ nhất, án lệ đóng vai trò là một nguồn luật bổ trợ ở Việt Nam. Án lệ không phải là VBQPPL - nguồn luật chính ở Việt Nam, do vậy chỉ “được coi là thứ yếu sau văn bản QPPL” [3]. Có thể hiểu, án lệ chỉ có giá trị tham khảo chứ không bắt buộc bởi nếu Hội đồng xét xử có thể không áp dụng thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định (Điều 8 Nghị quyết 04). Điều này khác với các nước Common Law khi án lệ thường là nguồn luật chủ yếu được áp dụng khi xét xử. Mặt khác, để trở thành án lệ ở Việt Nam cần đáp ứng đồng thời ba điều kiện tại Điều 2 Nghị quyết 04 [4], theo đó, giới hạn của nó chỉ trong phạm vi giải thích pháp luật thành văn, tức là vẫn dựa trên bản chất áp dụng pháp luật chứ không tạo ra pháp luật như ở các nước Common Law.
Minh chứng cho thứ bậc của án lệ, chẳng hạn trong lĩnh vực pháp luật dân sự, thứ tự ưu tiên các nguồn luật là: QPPL, thỏa thuận các bên, tập quán, quy định điều chỉnh vụ việc tương tự, nguyên tắc chung của pháp luật, án lệ (theo khoản 3 Điều 45 BLTTDS 2015). Tức là, án lệ chỉ có vai trò bổ sung trong trường hợp không thể sử dụng QPPL.
Thứ hai, án lệ là cơ sở pháp lý để Tòa án đưa ra các quyết định, bản án. Áp dụng án lệ thuộc thẩm quyền của Tòa án, theo nguyên tắc đảm bảo những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Do vậy, Tòa án cần phải xem xét, phân biệt các tình tiết, vấn đề pháp lý để xác định liệu có sự tương tự giữa hai vụ việc không, từ đó mới có thể áp dụng án lệ. Án lệ chỉ phát sinh giá trị pháp lý ràng buộc khi được viện dẫn một phần hoặc toàn bộ nội dung (khoản 3 Điều 8 Nghị quyết 04) trong phần “Nhận định của Tòa án”, khi đó án lệ cũng chính là một cơ sở pháp lý để Tòa đưa ra phán quyết, có giá trị ngang bằng với luật thành văn.
Thứ ba, án lệ chỉ phát sinh hiệu lực pháp lý sau khi được công bố. Khác với các nước Common Law, việc áp dụng án lệ ở Việt Nam phải thông qua thủ tục lựa chọn, công bố án lệ được hướng dẫn bởi Nghị quyết 04. Án lệ phát sinh giá trị pháp lý và được áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố (Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 04).
Thứ tư, án lệ có thể bị bãi bỏ nếu không còn phù hợp do có sự thay đổi của pháp luật (Điều 9 Nghị quyết 04). Không chỉ ở các nước Civil Law như Việt Nam, nguyên tắc này còn được áp dụng ở các nước Common Law như Mỹ, Úc,... [5] ơ Bởi thực tế, khi nguồn luật thành văn tồn tại song song trong HTPL thì để đảm bảo giá trị pháp lý ổn định đại diện cho quyền lực lập pháp, hiệu lực của nó sẽ cao hơn và phủ định giá trị của án lệ trước đó nếu mâu thuẫn.
[3] Khoản 3 Điều 1 Quyết định số 74/QĐ-TANDTC ngày 31/10/2012 của TANDTC về Phê duyệt Đề án “Phát triển án lệ của TANDTC”.
[4] Điều 2 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP: “(1) Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể; (2) Có tính chuẩn mực; (3) Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.”
[5] Nguyễn Bá Bình, “Án lệ ở Úc và một vài đánh giá về án lệ ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 04(125)/2019, tr.87-96.
3. Thực tiễn áp dụng án lệ trong HTPL Việt Nam
3.1. Thành tựu
Từ khi Nghị định 03/2015/NQ-HĐTP - văn bản pháp lý đầu tiên quy định về việc áp dụng án lệ ra đời, tính đến tháng 1/2022, TANDTC đã công bố tổng cộng 43 án lệ bao hàm hầu hết các lĩnh vực [6]. Ngay sau khi các án lệ được công bố, các Tòa án đã chủ động nghiên cứu để áp dụng và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, đúng trường hợp tương tự, thủ tục tố tụng trong xét xử. Theo thống kê đến ngày 14/1/2022, đã có 1.224 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ, tăng gần 6 lần so với năm 2018 [7]. Số liệu này đã minh chứng khả năng áp dụng thực tiễn của án lệ trong đời sống pháp lý thông qua các vụ án cụ thể.
Những án lệ điển hình còn là cơ sở hình thành văn bản QPPL. Chẳng hạn Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm ban hành dựa trên Án lệ số 08/2016/AL và Án lệ số 09/2016/AL. Việc sử dụng án lệ trong quá trình xét xử đã làm cho HTPL Việt Nam có sự linh hoạt, đồng thời đảm bảo được tính có căn cứ trong quá trình giải quyết.
3.2. Hạn chế
Thứ nhất, để một án lệ phát sinh hiệu lực pháp lý ở Việt Nam cần trải qua nhiều thủ tục. Do xuất phát khác nhau về truyền thống pháp luật, một bước đệm là cần thiết để áp dụng một nguồn luật mới như án lệ đảm bảo có chất lượng và không tùy tiện, tuy nhiên, lại vô tình là một rào cản kìm hãm sự phát triển số lượng án lệ ở nước ta. Ở các nước như Úc, một bản án trở thành án lệ “là bản án của Tòa án cấp cao nhất trong hệ thống thứ bậc tư pháp” [8]. Việc đơn giản hóa hơn nữa thủ tục áp dụng án lệ sẽ đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn xét xử, thông lệ chung trên thế giới và còn giúp tiết kiệm nguồn lực, ngân sách nhà nước dành cho thủ tục này.
Thứ hai, mặc dù quy định về giá trị pháp lý ràng buộc của án lệ đối với các tình huống pháp lý tương tự (Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 04), nhưng lại tồn tại song song với quy định về thứ bậc áp dụng đã vô tình khiến tần suất áp dụng án lệ so với các nguồn luật khác ở Việt Nam là không cao. Thứ bậc áp dụng của án lệ nên quy định phù hợp với thứ bậc của hệ thống Tòa án. Liên quan đến tính ràng buộc của án lệ tòa án cấp trên với tòa án cấp dưới, có thể tham khảo nguyên tắc này của các nước Common Law.
[6] “Trong đó có 07 án lệ về hình sự, 23 án lệ về dân sự, 08 án lệ về kinh doanh, thương mại, 01 án lệ về lao động, 02 án lệ về tố tụng dân sự, 02 án lệ về tố tụng hành chính”. Theo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC (2021), “Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo công tác phát triển án lệ để sơ kết công tác phát triển án lệ giai đoạn 2016-2021”, Trang tin điện tử về án lệ TANDTC, https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitiettin?dDocName=TAND169434, truy cập ngày 14/1/2022.
[7] Theo số liệu của bài viết: Nguyễn Văn Đại (2019), “Áp dụng án lệ trong xét xử các vụ án dân sự, từ thực tiễn của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai”, Tạp chí TAND điện tử, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/binh-luan-trao-doi-gop-y/ap-dung-an-le-trong-xet-xu-cac-vu-an-dan-su-tu-thuc-tien-xet-xu-cua-toa-an-nhan-dan-tinh-dong-nai, truy cập ngày 14/1/2022.
[8] Ngô Cường (2020), “Về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ”, Kiemsat online, https://kiemsat.vn/ve-quy-trinh-lua-chon-cong-bo-va-ap-dung-an-le-56882.html, truy cập ngày 14/1/2022.
KẾT LUẬN
Đời sống xã hội luôn vận động, biến đổi không ngừng phản ánh vai trò quan trọng của việc áp dụng hiệu quả một nguồn luật linh hoạt như án lệ để khắc phục kịp thời những thiếu hụt của pháp luật thành văn. Thực tiễn áp dụng án lệ ở Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu, tìm ra hướng điều chỉnh để đạt hiệu quả cao hơn trong thực tiễn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
2. Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn công bố và áp dụng án lệ.
3. Quyết định số 74/QĐ-TANDTC ngày 31/10/2012 của TANDTC về Phê duyệt Đề án “Phát triển án lệ của TANDTC”.
4. Nguyễn Văn Nam, Lý luận và thực tiễn về án lệ trong hệ thống pháp luật của các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức và những kiến nghị đối với Việt Nam (Sách chuyên khảo), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2012.
5. Michael Bogdan, Luật so sánh, bản dịch tiếng Việt của Lê Hồng Hạnh và Dương Thị Hiền, Nxb. Kluer Law & Taxation, 1994.
6. Đỗ Thanh Trung, “Vai trò tạo lập án lệ của tòa án”, Tạp chí kiểm sát, 2016.
7. Nguyễn Bá Bình, “Án lệ ở Úc và một vài đánh giá về án lệ ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 04(125)/2019.
8. Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC (2021), “Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo công tác phát triển án lệ để sơ kết công tác phát triển án lệ giai đoạn 2016-2021”, Trang tin điện tử về án lệ TANDTC,
https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitiettin?dDocName=TAND169434, truy cập ngày 14/1/2022
9. Nguyễn Văn Đại (2019), “Áp dụng án lệ trong xét xử các vụ án dân sự, từ thực tiễn của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai”, Tạp chí TAND điện tử, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/binh-luan-trao-doi-gop-y/ap-dung-an-le-trong-xet-xu-cac-vu-an-dan-su-tu-thuc-tien-xet-xu-cua-toa-an-nhan-dan-tinh-dong-nai, truy cập ngày 14/1/2022.
10. Ngô Cường (2020), “Về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ”, Kiemsat online,
https://kiemsat.vn/ve-quy-trinh-lua-chon-cong-bo-va-ap-dung-an-le-56882.html, truy cập ngày 14/1/2022
11. Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án, http://congbobanan.toaan.gov.vn
Comments