Thành tựu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam từ Nhật Bản giai đoạn 2017-2020
- Trang Đỗ Quỳnh
- 14 thg 5, 2020
- 9 phút đọc
Đã cập nhật: 5 thg 6, 2022
Học phần: Quan hệ kinh tế quốc tế
MỞ ĐẦU
Trong thời kì mở cửa, xã hội dần tiến tới toàn cầu hóa, Việt Nam (VN) với tư cách là một thành viên WTO không đứng ngoài cuộc chơi này. Kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2007, VN đã tích cực mở cửa thị trường và cải cách pháp luật để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, cho thế giới thấy tiềm năng dồi dào của một nền kinh tế hội nhập đang phát triển mạnh mẽ, dù đi lên từ xuất phát điểm khó khăn. Một trong những quan hệ hợp tác bền vững lâu đời VN tham gia đó là mối quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – Nhật Bản (NB) vẫn đang ngày càng lớn mạnh và sâu rộng, đặc biệt thấy rõ qua lĩnh vực đầu tư trực tiếp. Cùng tìm hiểu về đề tài này qua bài tiểu luận: Bình luận về thành tựu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của VN từ NB trong những năm gần đây (2017 – 2020).
NỘI DUNG
1. Một số khái niệm.
- Quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – Nhật Bản: Là việc tiến hành các mối quan hệ chính trị – an ninh, KT – XH giữa 2 quốc gia VN – NB. Đây là một trong những quan hệ ngoại giao lâu đời và quan trọng nhất của VN được thiết lập từ năm 1973 với phương châm “Vì hòa bình, ổn định ở châu Á”. Trong lĩnh vực kinh tế, NB hỗ trợ VN theo 3 trụ cột: thương mại – đầu tư – ODA (viện trợ phát triển chính thức), đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết và phát triển VN.
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment – FDI):
FDI là quá dịch chuyển vốn từ quốc gia này sang quốc gia khác nhằm mục đích thu lợi nhuận hoặc nhằm mục tiêu KT – XH khác, theo đó các nhà ĐTNN thiết lập các dự án đầu tư tại nước nhận đầu tư và trực tiếp tham gia điều hành. FDI diễn ra dưới các hình thức đầu tư khác nhau (góp vốn, theo hợp đồng, BOT, phát triển kinh doanh, M&A…), đảm bảo tuân thủ pháp luật liên quan và các hiệp ước quốc tế về đầu tư.
2. Những thành tựu thu hút FDI của Việt Nam từ Nhật Bản trong những năm gần đây (2017 – 2020).
Đơn vị: tỷ USD
Giai đoạn | Nhật Bản | Thế giới | Tỷ lệ | Thứ hạng |
2017 | 9.11 | 35.88 | 25.39 | 1 |
2018 | 8.59 | 35.47 | 24.20 | 1 |
2019 | 4.00 | 38.02 | 10.52 | 4 |
Quý I/2020 | 1.16 | 12.34 | 9.40 | 3 |
Thống kê tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần vào Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020 của Bộ KH&ĐT tính đến ngày 20/04/2020. Nguồn: http://www.mpi.gov.vn/
2.1. Năm 2017
601 dự án mở rộng và đầu tư mới từ NB. Tiêu biểu 2 dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 tại Thanh Hóa, Vân Phong 1 tại Khánh Hòa với tổng vốn đầu tư lên tới 5,37 tỷ USD. Dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD do nhà đầu tư NB liên doanh với PVN và PVGAS VN.
2.2. Năm 2018
Dự án Thành phố thông minh tại Đông Anh Hà Nội, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 14/7/2018 với tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do Sumitomo Corporation (NB) liên doanh với VN, đưa NB trở lại vị trí đầu bảng tổng vốn đăng ký FDI với 57,37 tỷ USD (chiếm 16,83%).

Theo số liệu thống kê của Bộ KH&ĐT tính đến ngày 20/04/2020. Nguồn: http://www.mpi.gov.vn/
2.3. Năm 2019
Thu hút FDI là một mảng sáng của bức tranh kinh tế năm 2019. FDI của NB vào VN trong năm 2019 tuy sụt giảm về vốn đăng ký, nhưng vốn bổ sung và số dự án mới do phía NB đầu tư vẫn tăng trưởng ấn tượng so với những năm trước . Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp số dự án đầu tư mới của NB vào VN tăng và đạt kỷ lục với 630 dự án; là năm thứ 4 liên tiếp tỷ lệ doanh nghiệp NB mở rộng đầu tư tại VN tăng. Số dự án được cấp phép mới là 435, cao nhất từ trước đến nay. NB đứng thứ hai về tổng vốn đăng ký dự án đầu tư còn hiệu lực được lũy kế đến tháng 12/2019 đạt 59,34 tỷ USD chiếm 16,4% vốn đăng ký, với số dự án đầu tư là 4.385.
2.4. Năm 2020
Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/4/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng vốn FDI vào VN 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ 2019.
Cơ cấu vốn FDI 4 tháng đầu năm 2020 (Căn cứ số liệu của Bộ KH&ĐT)
Tính đến ngày 20/4, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần 4 tháng đầu năm 2020 đạt 12,33 tỉ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Xét theo số lượng dự án thì NB đứng thứ ba với 116 dự án đầu tư FDI vào VN. Hiện có 136 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại VN; trong đó NB xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đạt 59,6 tỉ USD. Dự án lớn trong quý I /2020: Dự án Nhà máy Sews – components với mục tiêu sản xuất các linh kiện điện, điện tử cho ô tô và mô tô; các sản phẩm từ plastic tại Hưng Yên điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 75,2 triệu USD.
3. Bình luận về thành tựu thu hút FDI của Việt Nam từ Nhật Bản trong những năm gần đây (2017-2020).
3.1. Tác động đối với nền kinh tế Việt Nam.
Giai đoạn trước năm 2019, một loạt các dự án trong lĩnh vực nhiệt điện hay đô thị thông minh từ FDI NB, điển hình như: Dự án thành phố thông minh tại Đông Anh Hà Nội với vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD cấp phép năm 2018 đã giúp đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật xã hội, phục vụ sản xuất phát triển, góp phần cải tiến năng lực sản suất; cùng các doanh nghiệp FDI liên kết sản xuất (như Intel, Honda....) tạo ra tác động lan tỏa lớn về công nghệ, quản trị hiện đại. Về dài hạn, dòng vốn FDI NB có xu hướng chảy về các lĩnh vực tự động hóa, công nghệ cao, giúp giải phóng sức lao động người công nhân và tăng năng suất lên rất nhiều. Bên cạnh đó, từ lâu, FDI của NB đã chủ yếu tập trung vào các nhóm ngành công nghiệp xuất khẩu, chế biến, chế tạo, làm thúc đẩy sang ngành nông nghiệp, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Đây là bước đi quan trong khi VN đang chú trọng thúc đẩy quá trình hoàn thành mục tiêu hiện đại hóa - công nghiệp hóa đất nước đến năm 2030 (theo nội dung Nghị quyết số 23/NQ-TW của Bộ Chính trị năm 2018). FDI từ NB còn kéo theo những cơ hội hợp tác TMQT, những nhà đầu tư nước ngoài ở các quốc gia khác muốn “với tay” tới các thị trường NB cũng sẽ dốc vốn đầu tư vào VN.
Chất lượng dòng vốn đầu tư của NB (vốn thực hiện) luôn ở mức cao, doanh thu đầu tư đóng góp thiết thực vào việc tăng trưởng kinh tế VN. 2019 là năm đầu tiên thực thi CPTPP, sự kỳ vọng của nhà ĐTNN vào sự phát triển của nền kinh tế VN kéo theo đầu tư tăng. Điểm tích cực từ CPTPP đó là VN thu hút được vốn FDI NB đầu tư vào thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ chứ không chỉ đơn thuần là lắp ráp. Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index) 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá, VN là quốc gia có điểm số năng lực cạnh tranh tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2019. Năm 2020, VN cũng trở thành địa điểm đầu tư hứa hẹn nhất châu Á đối với các doanh nghiệp NB.
3.2. Tác động đối với nền kinh tế Nhật Bản.
VN là quốc gia điều phối quan hệ ASEAN – NB nhiệm kỳ 2018 - 2021, Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Do vậy vị thế của thị trường VN càng được nâng cao trong chuỗi giá trị quốc tế của các doanh nghiệp NB.Với lực lượng lao động giá rẻ và nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng, VN có vai trò đối tác kinh tế, chiến lược quan trọng của NB. Chính phủ VN luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp NB làm ăn thành công tại VN, góp phần vào thành công của nền kinh tế NB. Hiện nay, thị trường Đông Nam Á đang thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư NB, VN là một địa chỉ được quan tâm hàng đầu. Khảo sát của JBIC đối với các doanh nghiệp ĐTNN tại NB năm 2019, VN là điểm đầu tư hứa hẹn đứng thứ 3 với tỷ lệ bình chọn đạt 36,4% (tăng 2,5 điểm % và tăng 1 bậc so với năm 2018). Báo cáo cũng chỉ ra rằng, VN là nước có tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng nhất trong số 10 thị trường đầu tư hàng đầu của NB.
3.3. Tác động đối với mối quan hệ hợp tác song phương VN – NB.
Theo báo cáo ĐTNN năm 2019 của UNCTAD, NB là nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất, và VN nằm trong 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới. VN phải thừa nhận rằng NB là nhà đầu tư nghiêm túc nhất, luôn tôn trọng luật pháp, chính sách phát triển của VN, 2 bên cũng luôn tuân thủ các quy tắc ghi nhận trong các Hiệp định về đầu tư có liên quan đã ký kết trong khuôn khổ hợp tác kinh tế 2 nước (như AJCEP; Hiệp định Đối tác Kinh tế VN – NB (VJEPA) năm 2008; Hiệp định NB – VN về Tự do, Xúc tiến và Bảo hộ Đầu tư năm 2003...).
VN coi thu hút FDI là chủ trương lớn trong công cuộc đổi mới và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Nội dung chiến lược này liên tục được cải thiện, cập nhật bằng pháp luật, mới đây nhất được thể hiện trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ năm 2020 và dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) năm 2020. Hợp tác kinh tế, đặc biệt trên lĩnh vực đầu tư FDI là nền tảng cho quan hệ VN – NB ngày càng bền chặt, phát triển. Năm 2019 được đánh giá là giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước khi có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, hội nghị ASEAN+, APEC, ASEM…, đóng góp ngày càng tích cực vào hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
KẾT LUẬN
Trong những năm vừa qua, với tiến trình quốc tế hoá, coi công nghiệp hoá làm chiến lược hàng đầu, VN đã đạt được những thành tựu trong việc thu hút FDI từ NB. Không chỉ có lợi thế chính trị ổn định và môi trường đầu tư hấp dẫn, VN còn đang nỗ lực thu hút bằng những cam kết mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Với đà phát triển cùng quyết tâm của chính phủ hai nước, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng VN - NB sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới rực rỡ hơn trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Quan hệ kinh tế quốc tế, Nxb. CAND, Hà Nội, 2011.
2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Đầu tư, Nxb. CAND, Hà Nội, 2011.
3. Quan hệ đối tác Việt Nam - Nhật Bản từ quá khứ đến tương lai, kỷ yếu kỉ niệm 20 năm Nhật Bản nối lại hỗ trợ ODA cho Việt Nam, do JICA – cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản biên soạn, năm 2013.
4. 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, kỷ yếu hội nghị 30 năm, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư biên soạn, năm 2018, tr.204 - 207.
5. Bộ KH&ĐT, Số liệu thu hút FDI các năm, nguồn: http://www.mpi.gov.vn/Pages/timkiem.aspx?Keyword=FDI (truy cập ngày 30/04/2020)
6. Trung tâm WTO Việt Nam, Các hiệp định đối tác VN-NB và các chuyên đề về FDI, http://trungtamwto.vn/search?s=FDI (truy cập ngày 30/04/2020)
7. Diễn đàn Bộ Công thương, nguồn: https://congthuong.vn/ (truy cập ngày 01/05/2020)
8. Báo Quốc tế, nguồn: https://baoquocte.vn/tag/dau-tu-nuoc-ngoai-cond=&BRSR=0 (truy cập ngày 02/05/2020)
9. Tạp chí Công thương, nguồn: http://www.tapchicongthuong.vn/tag-dau-tu-nuoc-ngoai-88/page-2 (truy cập ngày 02/05/2020)
10. Đại sứ quán VN tại NB, nguồn: http://www.vnembassy-jp.org/vi/đầu-tư (truy cập ngày 01/05/2020)
11. Báo Kinh tế đô thị, “Thu hút FDI hứa hẹn những điểm sáng": http://kinhtedothi.vn/thu-hut-fdi-hua-hen-nhung-diem-sang.html (truy cập ngày 30/04/2020)
12. Báo Nhà đầu tư, “Dòng vốn của Nhật Bản vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2019” , nguồn: https://nhadautu.vn/dong-von-cua-nhat-ban-vao-viet-nam-tiep-tuc-tang-truong-trong-nam-2019-d16846.html (truy cập ngày 01/05/2020)
Comentarios