top of page

Địa vị pháp lý của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam

Tổng quan: Địa vị pháp lý của chủ thể nước ngoài, bao gồm thể nhân nước ngoài và pháp nhân nước ngoài, là một trong những chế định quan trọng trong quan hệ tư pháp quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực tố tụng dân sự quốc tế. Quy định về địa vị pháp lý giúp vị trí, vai trò của pháp nhân trong quan hệ pháp luật đi liền với quyền lợi và nghĩa vụ của chủ thể đó được công nhận, đảm bảo bằng sức mạnh quyền lực nhà nước – một trong những quyền cơ bản của pháp nhân trước hệ thống tư pháp của một quốc gia bất kỳ. Cụ thể hóa theo hệ thống pháp luật Việt Nam, bài viết sẽ tiến hành làm rõ địa vị pháp lý của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam theo quy định hiện hành. Từ đó đưa ra những đánh giá về thực tiễn áp dụng pháp luật về địa vị pháp lý của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam.

1. Khái quát chung về địa vị pháp lý của pháp nhân nước ngoài.

Pháp nhân

Chế định pháp nhân ở nước ta phát triển cùng với sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường sau đổi mới. Pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy phạm định nghĩa pháp nhân mà chỉ quy định về các điều kiện để một tổ chức được pháp luật thừa nhận là pháp nhân. Cụ thể, Điều 74 BLDS 2015 quy định, một tổ chức được thừa nhận là pháp nhân khi đáp ứng đầy đủ 04 điều kiện sau: (1) được thành lập hợp pháp; (2) có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; (3) có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; (4) nhân danh mình tham gia vào các quan hệ một cách độc lập.

Pháp nhân nước ngoài

Trong tư pháp quốc tế của hầu hết các nước trên thế giới đều thống nhất quan điểm cho rằng việc xác định pháp nhân nước ngoài phải dựa vào dấu hiệu quốc tịch của pháp nhân: nếu pháp nhân hoạt động tại một quốc gia nhưng lại mang quốc tịch một quốc gia khác thì pháp nhân đó đương nhiên được coi là pháp nhân nước ngoài. Thuật ngữ “pháp nhân nước ngoài” lần đầu tiên được định nghĩa tại Khoản 5 Điều 3 Nghị định 138/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các quy định của BLDS 2005 về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài: “Pháp nhân nước ngoài là pháp nhân được thành lập theo pháp luật nước ngoài”. Như vậy, theo pháp luật Việt Nam, pháp nhân nước ngoài là tổ chức hưởng tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật nước ngoài và được công nhận là có quốc tịch nước ngoài.

Địa vị pháp lý

Địa vị pháp lý theo nghĩa hẹp được hiểu là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định cho một chủ thể pháp luật, tạo cho chủ thể đó có khả năng tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Theo nghĩa rộng thì địa vị pháp lý là một khái niệm pháp lý phức tạp bao gồm nhiều yếu tố như quyền năng chủ thể, hệ thống quyền và nghĩa vụ pháp lý, cùng các nguyên tắc pháp lý làm cơ sở xây dựng hệ thống quyền và nghĩa vụ pháp lý, các lợi ích hợp pháp cùng với những bảo đảm pháp lý đối với các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể.


2. Quy định chung của pháp luật Việt Nam về địa vị pháp lý của pháp nhân nước ngoài trong tư pháp quốc tế.

a. Đặc điểm địa vị pháp lý của pháp nhân nước ngoài

Đặc điểm chung của địa vị pháp lý pháp nhân nước ngoài đó là pháp nhân cùng lúc phải chịu sự điều chỉnh của hai hệ thống pháp luật: pháp luật của quốc gia mà pháp nhân mang quốc tịch và pháp luật của quốc gia tại nơi pháp nhân hoạt động, cụ thể:

- Pháp luật quốc gia mà pháp nhân mang quốc tịch sẽ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tổ chức, thành lập pháp nhân như: điều kiện và thủ tục thành lập, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, chia tách pháp nhân… Vấn đề quốc tịch pháp nhân được quy định trực tiếp ở Điều 80 và Điều 676 BLDS 2015.

- Pháp luật của quốc gia sở tại sẽ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến phạm vi hoạt động của pháp nhân, các quyền và nghĩa vụ cụ thể của pháp nhân trên lãnh thổ của quốc gia đó. Việc cho pháp nhân nước ngoài vào hoạt động hay không, cho phép vào để tiến hành những hoạt động gì, trong lĩnh vực nào, ở phạm vi nào, cho pháp nhân đó hưởng những quyền gì và có những nghĩa vụ gì cụ thể, là quyền của nước sở tại. Những vấn đề này thường được quy định trọng văn bản pháp luật quốc gia và các ĐƯQT mà nước sở tại ký kết hoặc tham gia, như các Hiệp định thương mại tự do, hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, các thỏa thuận hội nhập kinh tế khu vực,…

Ví dụ, Công ty B mang quốc tịch Hoa Kỳ có chi nhánh tại Việt Nam. Đối với các vấn đề liên quan đến thành lập, quyền năng chủ thể, tài sản của chi nhánh phải tuân theo các quy định của pháp luật Hoa Kỳ. Đối với vấn đề phạm vi hoạt động của chi nhánh, quyền và nghĩa vụ cụ thể khi chi nhánh hoạt động tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam và ĐƯQT giữa mà Việt Nam là thành viên như Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2015, Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2000…

Ngoài ra, địa vị pháp lý của pháp nhân nước ngoài dựa trên hệ thuộc luật quốc tịch còn thể hiện ở chỗ khi các quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân nước ngoài bị xâm phạm thì nó sẽ được nước mà nó mang quốc tịch thực hiện sự bảo hộ pháp lý về mặt ngoại giao. Nội dung địa vị pháp lý của pháp nhân nước ngoài là không giống nhau giữa các nước và ngay trong cùng một nước ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau.

b. Năng lực chủ thể của pháp nhân nước ngoài

Pháp nhân là một chủ thể độc lập, bình đẳng và thường xuyên tham gia quan hệ pháp luật của tư pháp quốc tế, nên năng lực chủ thể của pháp nhân là một vấn đề cần làm rõ. Khác với năng lực chủ thể của cá nhân, năng lực pháp luật và năng lực hành vi của pháp nhân phát sinh đồng thời, xuất phát từ nguyên nhân pháp nhân là một tổ chức không có quá trình sinh trưởng sinh học như cá nhân. Bên cạnh đó, năng lực hành vi dân sự của pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp của pháp nhân, nên không cần thiết phải xây dựng một điều luật riêng về năng lực hành vi của pháp nhân. Do vậy, pháp luật các quốc gia nói chung và pháp luật Việt Nam nói riêng chỉ quy định về NLPLDS của pháp nhân. NLPLDS của pháp nhân là khả năng được hưởng quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật. NLPLDS của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, đối với các pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì phát sinh kể từ thời điểm đăng ký và chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt tồn tại pháp nhân (xóa tên trong số đăng ký hoặc thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền – Điều 96 BLDS 2015).

Theo pháp luật Việt Nam, NLPLDS của pháp nhân nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà pháp nhân đó có quốc tịch. Quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 676 BLDS 2015: “NLPLDS của pháp nhân; tên gọi của pháp nhân; đại diện theo pháp luật của pháp nhân; việc tổ chức, tổ chức lại, giải thể pháp nhân; quan hệ giữa pháp nhân với thành viên của pháp nhân; trách nhiệm của pháp nhân và thành viên của pháp nhân đối với các nghĩa vụ của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước mà pháp nhân có quốc tịch, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này”. So với Điều 765 BLDS năm 2005 về NLPLDS của pháp nhân nước ngoài thì Điều 676 BLDS 2015 đã xác lập “nguyên tắc” để xác định quốc tịch của của pháp nhân tùy thuộc vào pháp luật nơi thành lập của pháp nhân đó mà không phụ thuộc vào nơi đặt trụ sở chính hay nơi kinh doanh chính của pháp nhân, tức là trực tiếp ghi nhận việc sử dụng hệ thuộc luật quốc tịch (lex societatis). Việc sử dụng hệ thuộc luật quốc tịch là hợp lý vì đây là một hệ thuộc luật cơ bản của tư pháp quốc tế, nó phù hợp với mối liên hệ mật thiết giữa pháp nhân và nhà nước mà nó mang quốc tịch. Từ đó, pháp nhân mang quốc tịch nước nào thì các vấn đề liệt kê ở khoản 2 Điều 676, trong đó có xác định NLPLDS sẽ phải xác định theo pháp luật nước đó.

Bên cạnh nguyên tắc quốc tịch là nguyên tắc chủ đạo thì pháp luật Việt Nam cũng quy định khi pháp nhân nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam thì NLPLDS của pháp nhân đó được xác định theo pháp luật Việt Nam (khoản 3 Điều 676 BLDS năm 2015). Ví dụ như pháp luật Việt Nam không cho phép sở hữu và kinh doanh súng đạn, tuy nhiên pháp luật Hoa Kỳ lại cho phép. Khi đó, một số pháp nhân Hoa Kỳ có đủ điều kiện theo pháp luật Hoa Kỳ thì được phép kinh doanh súng đạn nhưng chỉ tại Hoa Kỳ, còn không được thực hiện các giao dịch tại Việt Nam. Quy định này vừa tạo điều kiện thuận tiện cho các pháp nhân nước ngoài trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam, vừa đảm bảo tính hiệu lực về lãnh thổ của pháp luật Việt Nam.

Quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 676 BLDS 2015 đã kế thừa và hoàn thiện hơn nội dung của Điều 765 BLDS 2005, theo đó NLPLDS của pháp nhân nước ngoài được xác định dựa trên sự kết hợp hai hệ thuộc là luật nơi pháp nhân mang quốc tịch và pháp luật Việt Nam, tạo điều kiện cho việc áp dụng và thực thi điều luật một cách thuận lợi và chính xác trong thực tiễn.

Ngoài pháp luật trong nước, năng lực chủ thể của một pháp nhân nước ngoài còn bị điều chỉnh trực tiếp bởi các quy định trong các HĐTTTP mà Việt Nam kí kết với quốc gia mà pháp nhân mang quốc tịch. Nhìn chung, những quy định này cũng tương thích với nguyên tắc được xác lập trong BLDS Việt Nam, tức là cùng sử dụng quốc tịch của pháp nhân làm căn cứ xác định luật điều chỉnh NLPLDS. Ví dụ, khoản 3 Điều 17 HĐTTTP Việt Nam – Lào quy định: “NLPLDS của pháp nhân tuân theo pháp luật của nước kí kết nơi pháp nhân đó được thành lập”.


3. Hoạt động của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam

Nền kinh tế thị trường Việt Nam càng mở cửa thì pháp nhân nước ngoài xuất hiện ngày càng phổ biến trong các lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy vậy, các hoạt động của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, theo đó hai hoạt động phổ biến nhất là: (1) Đầu tư kinh doanh; (2) Hiện diện thương mại: đặt VPĐD, chi nhánh để tiến hành hoặc xúc tiến thương mại tại Việt Nam.

a. Hoạt động đầu tư kinh doanh

Đầu tư kinh doanh theo định nghĩa ở khoản 8 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 là việc “nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh”, trong đó “nhà đầu tư” bao gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, pháp luật Việt Nam cho phép pháp nhân nước ngoài thuộc mọi quốc tịch, mọi thành phần kinh tế đều có quyền đầu tư kinh doanh như một pháp nhân Việt Nam. Các hình thức đầu tư kinh doanh được Luật đầu tư 2020 pháp luật quy định tại Điều 22 bao gồm:

Thành lập tổ chức kinh tế:

+ Phương thức: thành lập công ty 100% vốn từ nhà đầu tư nước ngoài; thành lập công ty giữa các nhà đầu tư trong nước hoặc Chính phủ trong nước và nhà đầu tư nước ngoài (hình thức Liên doanh). Đây là các hình thức chủ yếu của các công ty, tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia thuộc mọi lĩnh vực như Samsung (Hàn Quốc), Cocacola (Mỹ), Panasonic (Nhật Bản), Dealim (Hàn Quốc), Colas Rail (Pháp)…

+ Điều kiện: Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và phải đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về chứng khoán, về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước và các điều kiện theo quy định của ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên.

Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp: thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Khi thực hiện hình thức đầu tư này, nhà đầu tư cần đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật đầu tư 2020.

Thực hiện dự án đầu tư: bên cạnh hình thức thành lập tổ chức kinh tế ở VIệt Nam để thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài có thể ký kết hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng PPP), được quy định cụ thể trong Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC): BCC là hình thức đầu tư được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân mới, thay vào đó được thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam để thực hiện hợp đồng (Điều 49 Luật đầu tư 2020). Hình thức đầu tư này giúp các nhà đầu tư tiến hành hoạt động đầu tư được nhanh chóng mà không không mất thời gian, tiền bạc để thành lập và quản lý một pháp nhân mới. Hợp đồng BCC có ít nhất 1 bên là nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật đầu tư 2020.

Ngoài ra còn có quy định về các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ. Đây là sự dự phòng cho những loại hình đầu tư mới xuất hiện mà quy định trong Luật đầu tư không kịp thời ghi nhận.

Sự mở rộng và quy định rõ ràng các hình thức đầu tư theo Luật đầu tư 2020 đã tạo nên một thị trường rộng mở và tiềm năng cho những pháp nhân nước ngoài muốn thực hiện hoạt động ở Việt Nam. Hiện nay, các quyền và nghĩa vụ cụ thể của pháp nhân nước ngoài khi hoạt động trong lĩnh vực đầu tư được quy định cụ thể trong Luật đầu tư 2020 như Điều 12 về bảo đảm quyền chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài, Điều 25 về nghĩa vụ bảo đảm thực hiện dự án của nhà đầu tư…

b. Hoạt động đặt văn phòng đại diện, chi nhánh

Điều 84 BLDS 2015 cũng đã quy định rõ: VPĐD, chi nhánh không phải là pháp nhân, mà chỉ là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân nước ngoài với mục đích chủ yếu để tìm hiểu thị trường, trung gian giao dịch, kí kết hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ… với các cá nhân, tổ chức Việt Nam. Pháp nhân nước ngoài sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về hoạt động của VPĐD, chi nhánh của mình (khoản 3 Điều 16 LTM 2005).

Để tiến hành đặt VPĐD tại Việt Nam, pháp nhân nước ngoài phải được thành lập hợp pháp theo pháp luật nước mang quốc tịch đã tham gia ĐƯQT với Việt Nam, hoạt động ít nhất 01 năm kể từ ngày thành lập và phải xin cấp phép từ Sở công thương hoặc ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất tại Việt Nam… (Điều 7 Nghị định 07/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về VPĐD, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam). Các quyền và nghĩa vụ của VPĐD pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Điều 17, 18 LTM 2005.

Điều kiện để tiến hành đặt chi nhánh của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam theo Nghị định 07/2016/NĐ-CP chỉ khác điều kiện đặt VPĐD ở chỗ thời gian hoạt động dài hơn (ít nhất 05 năm). Các quyền và nghĩa vụ của chi nhánh được quy định tại Điều 19, 20 LTM 2005.

Trước khi chấm dứt các hoạt động VPĐD hay chi nhánh tại Việt Nam theo các trường hợp chấm dứt tại Điều 23 LTM 2005, pháp nhân nước ngoài có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ và các nghĩa vụ khác với Nhà nước, tổ chức, các nhân có liên quan tại Việt Nam.

Có thể nói, pháp luật Việt Nam đã có những quy định tương đối hoàn thiện về quyền và nghĩa vụ pháp nhân nước ngoài khi tiến hành hoạt động tại Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý việc hoạt động thuận lợi, hiệu quả. Là một nền kinh tế thị trường còn non trẻ so với nhiều quốc gia trên thế giới, tuy các hình thức hoạt động của pháp nhân nước ngoài trong quy định pháp luật Việt Nam chưa thực sự nhiều, đa dạng, nhưng lại hết sức phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam, thể hiện những bước đi thận trọng và khôn khéo trong chính sách mở cửa thị trường của Nhà nước ta, đáp ứng kịp thời các ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên và xu thế chung của tư pháp quốc tế.


3. Quy định của pháp luật Việt Nam về địa vị pháp lý của pháp nhân nước ngoài trong tố tụng dân sự quốc tế.

a. Nguyên tắc chung

Một trong những quyền cơ bản của các chủ thể nước ngoài trước hệ thống tư pháp của một quốc gia khác là quyền được pháp luật bảo vệ khi phát sinh tranh chấp và bị xâm phạm về quyền năng chủ thể. Việc quy định địa vị pháp lý của pháp nhân nước ngoài chủ yếu nhằm mục đích thực hiện quyền này trong pháp luật TTDS các nước.

Về các nguyên tắc chung, quyền và nghĩa vụ TTDS quốc tế của pháp nhân nước ngoài trước hết được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc đối xử quốc gia nhằm đảm bảo sự bình đẳng cho các bên chủ thể về quyền được nhà nước Việt Nam bảo hộ pháp lý. Nguyên tắc được thừa nhận tại khoản 2 Điều 465 BLTTDS 2015, theo đó quyền và nghĩa vụ của pháp nhân nước ngoài và pháp nhân Việt Nam là như nhau khi tham gia TTDS. Bên cạnh việc đảm bảo bình đẳng, Nhà nước Việt Nam có thể áp dụng nguyên tắc có đi có lại để hạn chế quyền TTDS tương ứng của pháp nhân nước ngoài mà tòa án của nước pháp nhân đó mang quốc tịch đã hạn chế quyền TTDS đối với pháp nhân Việt Nam (khoản 3 Điều 465 BLTTDS). Hạn chế quyền TTDS có thể là sự hạn chế toàn bộ quyền tham gia TTDS tại tòa án, hoặc có thể chỉ hạn chế một số nội dung như miễn, giảm án phí… và phải đảm bảo tính tương ứng với quy chế pháp lý của pháp nhân Việt Nam tại nước ngoài theo pháp luật nước ngoài đang được đối chiếu. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài hữu quan bị xâm phạm hoặc không được nước ngoài hữu quan bảo hộ thỏa đáng.

Trên cơ sở các nguyên tắc chung, các quyền của pháp nhân nước ngoài được cụ thể hóa thành các quyền khởi kiện của pháp nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế, Chi nhánh, văn phòng đại diện theo ủy quyển của pháp nhân nước ngoài đến tòa án Việt Nam (Điều 465 BLTTDS 2015), quyền nhờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm phạm hoặc xảy ra tranh chấp theo quy định của pháp luật Việt Nam,… Pháp luật Việt Nam hiện hành đã cho phép các tổ chức luật sư nước ngoài hành nghề luật tại Việt Nam dưới các hình thức như Chi nhánh, Công ty luật khi đáp ứng đủ các điều kiện được quy định Điều 68 Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012, tuy nhiên luật sư nước ngoài không được tham gia TTDS với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước tòa án Việt Nam (Điều 76).

b. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự của pháp nhân nước ngoài

Tương tự như pháp luật dân sự, pháp luật TTDS chỉ đề cập đến NLPLTTDS của pháp nhân nước ngoài mà không đề cập đến năng lực hành vi TTDS như cá nhân, bởi pháp nhân thực hiện các quan hệ TTDS thông qua chế định người đại diện hợp pháp. NLPLTTDS của pháp nhân nước ngoài là khả năng mà pháp nhân đó có quyền và nghĩa vụ trong TTDS tại hệ thống cơ quan tư pháp và tòa án Việt Nam. Cơ sở pháp lý để đảm bảo quyền trong lĩnh vực tố tụng của các chủ thể nước ngoài trước hết được ghi nhận trong các ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên như trong các ĐƯQT đa phương và các HĐTTTP. Nội dung của các hiệp định này đảm bảo cho công dân hai nước kí kết được bảo hộ về mặt pháp lý, miễn cược án phí… tại hệ thống các cơ quan tư pháp của nhau, tạo sự công bằng không phân biệt đối xử giữa pháp nhân trong nước và nước ngoài khi tham gia TTDS quốc tế (Điều 5 HĐTTTP Việt Nam – Pháp; Điều 1,2 HĐTTTP Việt Nam – Lào; Điều 2, 3 HĐTTTP Việt Nam – Trung Quốc;…). Chẳng hạn, tại điều 19 HĐTTTP Việt Nam – Hungary về miễn cược án phí quy định: “Công dân nước ký kết này không bị buộc ký quỹ án phí trên lãnh thổ nước ký kết kia, không phải nộp cược dưới bất cứ hình thức nào vì lý do họ là người nước ngoài”.

Cơ sở pháp lý tiếp theo để xác định NLPLTTDS của pháp nhân nước ngoài là pháp luật trong nước. Tại Điều 69 BLTTDS 2015 khẳng định: “Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có NLPLTTDS như nhau trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Nhìn chung pháp luật TTDS các nước đều quy định như nhau trong việc yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân nước ngoài, nhằm bảo đảm cho đương sự có điều kiện thuận lợi nhất để tham gia TTDS. Điều 69 BLTTDS 2015 không quy định về thời điểm bắt đầu, chấm dứt NLPLTTDS của pháp nhân, tuy nhiên về nguyên tắc nó gắn liền với NLPLDS của pháp nhân, tức là xuất hiện khi được thành lập hoặc đăng ký, chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt tồn tại (Điều 96 BLDS 2015).

Về luật áp dụng để xác định NLPLTTDS của pháp nhân nước ngoài, được quy định tại Điều 467 BLTTDS 2015. Pháp nhân nước ngoài được pháp luật Việt Nam chia thành hai loại: pháp nhân được thành lập theo pháp luật quốc gia và pháp nhân được thành lập theo ĐƯQT (tổ chức quốc tế). Đối với tổ chức quốc tế, khoản 2 Điều 467 xác định NLPLTTDS trên cơ sở ĐƯQT là căn cứ để thành lập tổ chức đó, quy chế hoạt động của tổ chức quốc tế hoặc ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên. Mỗi tổ chức quốc tế phi chính phủ sẽ có quy chế, điều lệ thành lập riêng của mình, do vậy tư cách pháp lý của các tổ chức này sẽ dựa trên pháp luật nơi được thành lập và được ghi nhận trong điều lệ thành lập chúng. Trường hợp tổ chức quốc tế tuyên bố từ bỏ quyền ưu đãi, quyền miễn trừ (quyền được ghi nhận trong điều lệ hoặc ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên) thì NLPLTTDS của tổ chức quốc tế đó được xác định theo pháp luật Việt Nam.

Đối với pháp nhân được thành lập theo pháp luật quốc gia, nguyên tắc xác định giống như NLPLDS của pháp nhân nước ngoài, tức là theo pháp luật của nước pháp nhân đó được thành lập, hay luật nước nơi pháp nhân có quốc tịch. Khi tham gia tố tụng theo ủy quyền tại tòa án Việt Nam, NLPLTTDS của chi nhánh, VPĐD tại Việt Nam của pháp nhân nước ngoài được xác định theo pháp luật Việt Nam. Quy định này xuất phát từ việc thành lập, tổ chức và hoạt động của chi nhánh, VPĐD tại Việt Nam của pháp nhân nước ngoài phải tuân theo quy định của Việt Nam. Khoản 1 Điều 467 BLTTDS 2015 tiếp tục kế thừa quy định xác định NLPLTTDS của pháp nhân nước ngoài tại Điều 408 BLTTDS 2004 nhưng bãi bỏ quy định: “trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác”, một mặt nhằm bảo đảm rằng việc xác định NLPLTTDS của pháp nhân nước ngoài chỉ được xác định theo quy định của Bộ luật này; mặt khác để phù hợp hơn với nguyên tắc lựa chọn pháp luật áp dụng trong tư pháp quốc tế. Cách tiếp cận này tương tự với quy định tại Công ước La Hay 1956 (điều 1) về công nhận năng lực pháp luật của doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức và cơ quan nước ngoài.

KẾT LUẬN

Trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều những vụ việc phát sinh từ các mối quan hệ có yếu tố nước ngoài mà một bên chủ thể là pháp nhân nước ngoài thì việc nghiên cứu và làm sáng tỏ các quy định của pháp luật hiện hành về địa vị pháp lý của pháp nhân nước ngoài là một việc làm cần thiết nhằm nâng cao sự hiểu biết pháp luật, thúc đẩy phát triển giao lưu về mọi mặt giữa các quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của pháp nhân nước ngoài. Việc xây dựng hệ thống các quy định pháp luật Việt Nam về địa vị pháp lý của pháp nhân nước ngoài đã và đang tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi theo hướng ngày càng phù hợp với xu thế chung của tư pháp quốc tế và các ĐƯQT mà Việt Nam đã, đang và sẽ gia nhập./.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Tư pháp quốc tế, Nxb. Tư pháp, 2019.

Văn bản pháp luật

1. Bộ luật Dân sự 2015.

2. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

3. Luật Thương mại 2005.

4. Luật Đầu tư 2020.

5. Luật luật sư 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012.

6. Nghị định 138/2006/NĐ-CP ngày 15/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các quy định của BLDS 2005 về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

Tài liệu khác

1. Vũ Thị Phương Lan, Nguyễn Thái Mai (Chủ biên), Hướng dẫn học Tư pháp quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2017.

2. Trần Anh Tuấn (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2017.

3. Trần Đức Cường, Địa vị pháp lý của cá nhân và pháp nhân nước ngoài trong quan hệ tố tụng dân sự trước tòa án Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014.

Website

4. Phạm Thị Hồng Đào, Quyền lựa chọn pháp luật của các chủ thể có yếu tố nước ngoài trong BLDS năm 2015, http://pup.edu.vn/index.php/news/Nghien-cuu-Trao-doi/Quyen-lua-chon-phap-luat-cua-cac-chu-the-co-yeu-to-nuoc-ngoai-trong-Bo-luat-dan-su-nam-2015-1008.html, truy cập ngày 29/4/2021.

5. Luật Việt An, Hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, https://luatvietan.vn/hinh-thuc-dau-tu-nuoc-ngoai-tai-viet-nam.html





Comentários


Post: Blog2 Post

HLUer Docs

87 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội

Mẫu đăng ký nhận

Cảm ơn bạn đã gửi!

©2021 by Trang Do Quynh. Proudly created with Wix.com

  • Twitter
  • LinkedIn
bottom of page