Bình luận án lệ Gibbons v. Ogden, 22 U.S. (9 Wheat.) 1 (1824)
- Trang Đỗ Quỳnh
- 4 thg 7, 2023
- 6 phút đọc
Đã cập nhật: 17 thg 7, 2023
Đề bài môn Kỹ năng nghiên cứu và phân tích án lệ:
Hãy nghiên cứu án lệ Gibbons v. Ogden, 22 U.S. (9 Wheat.) 1 (1824) và trả lời các câu hỏi sau đây:
1. Tóm tắt án lệ trên theo đúng kỹ năng của luật gia common law và nêu quan điểm của mình về phán quyết của tòa án.
2. Tòa án nhận định rằng: “the word used in the Constitution [“commerce”]… has been always understood to comprehend navigation within its meaning, and a power to regulate navigation is as expressly granted as if that term had been added to the word “commerce”? (Đoạn 234)
Bạn có đồng ý với nhận định này của Tòa án không và tại sao có hoặc tại sao không? Nêu ưu điểm và nhược điểm của cách giải thích Hiến pháp trong án lệ này?

1. Tóm tắt án lệ và quan điểm cá nhân về phán quyết của tòa án.
Sự kiện pháp lý:
Theo luật bang New-York, Ogden được cấp quyền độc quyền vận hành tàu hơi nước trong vùng biển New-York. Sau đó, Gibbons, được cấp phép theo Đạo luật Liên bang 1793 (ĐLLB) về điều chỉnh hoạt động buôn bán đường thủy và nghề thủy sản, cũng bắt đầu vận hành tàu trong vùng biển giữa hai bang New-York và New-Jersey, do đó xâm phạm sự độc quyền của Ogden. Ogden đệ đơn kiện Gibbons lên Tòa án bang New-York, một lệnh cấm được ban hành chống lại Gibbons. Gibbons kháng cáo lên TATC Liên bang HK.
Câu hỏi pháp lý:
Nghị viện có thẩm quyền điều chỉnh thương mại giữa các bang không?
Nếu có thì luật của New-York về cấp độc quyền hàng hải có bị vô hiệu không?
Luật áp dụng: Điều I, Khoản 8 Hiến pháp HK.
Còn được gọi là Điều khoản thương mại (ĐKTM), nội dung của điều khoản này quy định Nghị viện có quyền: “điều chỉnh thương mại với nước ngoài, giữa các bang với nhau và với các bộ tộc da đỏ” ('to regulate commerce with foreign nations, among the several States, and with the Indian tribes.')
Lập luận các bên:
Nguyên đơn Gibbons cho rằng, thứ nhất, về nguyên tắc, quyền đưa ra quy tắc chung về điều chỉnh thương mại đã được Hiến pháp chuyển giao từ các tiểu bang sang Nghị viện. Về bản chất, nó là “độc quyền”, hay được hiểu là quy tắc cao hơn thương mại nội bang, tức thương mại ảnh hưởng đến cả các tiểu bang khác. Thứ hai, luật New-York là một đạo luật “điều chỉnh thương mại” do hàng hải thuộc các quy định về “thương mại”. Do đó, quy định của bang phải bị vô hiệu vì xung đột với quy định của liên bang. Lý giải thêm, “một số quyền lực được coi là độc quyền bởi Nghị viện khi: (1) sử dụng các từ “độc quyền” trong quy định ủy quyền; (2) lệnh cấm đối với các bang thực hiện các quyền lực tương tự; (3) từ bản chất của chính quyền lực”, [Gibbons v. Ogden (1824), đoạn 36].
Bị đơn Ogden giới hạn thuật ngữ “thương mại” chỉ gồm “vận chuyển, mua bán hoặc trao đổi hàng hóa”, không bao gồm hàng hải. Theo nguyên tắc luật chính trị, bang có “quyền lập pháp tối cao” trong lãnh thổ của nó. Hơn nữa, quyền điều chỉnh thương mại, được Hiến pháp trao cho Nghị viện chỉ bằng liệt kê mà không nêu rõ ràng sự “độc quyền”, nên phải được coi là “đồng thời” (viện dẫn nguyên tắc đặt ra trong các án lệ McCulloch v. Maryland; Houston v. Moore; Houston v. Moore và Sturges v. Crowninshield). Do vậy, Nghị viện không có quyền can thiệp vào việc vận hành nội thủy của bất kỳ bang nào [Gibbons v. Ogden (1824), đoạn 72-73, 80, 120, 134, 136].
Lập luận của Tòa:
Để đưa ra phán quyết cuối cùng, Tòa thống nhất lập luận Ratio Decidendi qua lập luận của Chánh án Marshall, bắt đầu bằng cách bác bỏ lập luận rằng các quyền hạn trao cho Nghị viện bởi Hiến pháp phải được diễn giải một cách chặt chẽ. Tiếp theo, Tòa giải thích nghĩa của ĐKTM: (i) trái với khẳng định phía Ogden, “thương mại” bao gồm hàng hải; (ii) từ “giữa” có nghĩa là “xen kẽ với” (Nguyên gốc tương ứng: “among” và “intermingled with”).
Vì vậy, thẩm quyền của Nghị viện trong việc điều chỉnh vận hành thương mại đường thủy “giữa các bang” không chỉ dừng lại ở đường ranh giới bên ngoài mà còn trong phạm vi lãnh thổ của bang, trừ khi “thương mại” đó “không ảnh hưởng đến các bang khác”. Đó là đặc quyền tối cao, “được thừa nhận không có giới hạn” [Gibbons v. Ogden (1824), đoạn 238, 240, 244].
Cuối cùng, để xác định xem một tiểu bang có thể điều chỉnh thương mại “giữa các bang” khi nó đang thuộc thẩm quyền của Nghị viện không, Tòa bác bỏ lập luận cho rằng xung đột giữa luật tiểu bang - liên bang mang bản chất “các quyền lực đối lập bình đẳng”, mà theo Điều khoản tối cao của Hiến pháp, khi có xung đột, “đạo luật của Nghị viện,... là tối cao; và luật pháp của bang, mặc dù được ban hành trong phạm vi quyền lực không bị kiểm soát, phải nhường quyền cho nó” [Gibbons v. Ogden (1824), đoạn 224, 271-272]. Do vậy, trong trường hợp này, ĐLLB có hiệu lực sẽ làm vô hiệu luật bang New-York [Gibbons v. Ogden (1824), đoạn 340].
Phán quyết của Tòa:
Thẩm quyền điều chỉnh thương mại giữa các bang thuộc về Nghị viện. Do đó, đảo ngược phán quyết Tòa án bang, thống nhất bản án có lợi cho Gibbons theo giấy phép được ĐLLB cấp và luật New-York về độc quyền hàng hải là vi hiến và vô hiệu.
2. Bình luận:
Gibbons v. Ogden là vụ án đầu tiên trong lịch sử tư pháp HK giải thích ý nghĩa của ĐKTM. Phán quyết, với phương pháp lập luận dựa vào các nguyên tắc chung của Hiến pháp (điển hình như Điều khoản tối cao về tính ưu thế của luật liên bang so với luật tiểu bang), lẽ thường cùng các chính sách khi giải thích thuật ngữ, và kết hợp các phép loại suy, quy nạp để trả lời từng câu hỏi pháp lý đặt ra, là hợp lý, logic và dễ nhận được đồng tình. Nó đã đưa ra một nhiệm vụ trọng tâm khi giải quyết một vấn đề mang tính liên bang tương tự sau này, đó là phân bổ quyền hạn điều chỉnh giữa bang và liên bang.
Tác động thực tế phán quyết này là phá bỏ độc quyền cản trở cạnh tranh tự do giữa các bang, được coi là “tuyên ngôn giải phóng thương mại HK” [1]. Bên cạnh đó, tầm quan trọng của nó còn được thể hiện trong lĩnh vực tư pháp khi được áp dụng trong rất nhiều án lệ liên quan đến phân bổ quyền lực như US v. Lopez (1995); The Employers' Liability Cases (1908); Wickard v. Filburn (1942)...
Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế mà phán quyết cuối cùng chưa giải quyết triệt để, cụ thể trong trường hợp luật không xung đột thì các bang có quyền ban hành Luật điều chỉnh thương mại giữa các bang hay không, hay chỉ liên bang mới có quyền? Nói cách khác, quyền lực này là “đồng thời” hay “độc quyền”? Marshall cũng không tuyên bố vô hiệu luật New-York dựa trên thẩm quyền từ ĐKTM [2] mà dựa trên ĐLLB, gây nên những tranh cãi về tính nhất quán của phán quyết và phạm vi hạn chế quyền lực bang của ĐKTM. Không giống quan điểm của thẩm phán Johnson rằng thẩm quyền Nghị viện phải là “độc quyền” [3], Marshall rất thận trọng khi đưa ra khẳng định về phân chia ranh giới quyền lực bang - liên bang vì Hiến pháp không điều chỉnh sự xung đột này [4]. Do đó, thực tế phạm vi áp dụng của phán quyết chỉ giới hạn với những trường hợp các đạo luật bang - liên bang xung đột trực tiếp với nhau.
[1] George L. Haskins (1995), John Marshall and the Commerce Clause of Constitution, University of Pennsylvania Law School Review, Vol.104, tr. 28.
[2] Lập luận tại Gibbons v. Ogden (1824), đoạn 274, xem thêm những kiến tranh cãi tại: Norman R. Williams (2004), Gibbons, New York University Law Review, Vol.79, tr.1400.
[3] Quan điểm rộng hơn của thẩm phán Johnson cho rằng, luật của New-York phải bị vô hiệu thậm chí không cần có xung đột với luật liên bang, “vì Hiến pháp vốn loại trừ quyền đó của các bang”, Gibbons v. Ogden (1824), đoạn 315, 334-335.
[4] theo quan điểm của Chánh án Marshall, trích dẫn trong George L. Haskins (1995), tlđd, tr. 29.
Tài liệu tham khảo:
1. Gibbons v. Ogden (1824), https://www.law.cornell.edu/supremecourt/text/22/1
Comments