Dự thảo án lệ về chi phí luật sư trong tranh chấp SHTT
- Trang Đỗ Quỳnh
- 23 thg 9, 2023
- 2 phút đọc
Đây là Dự thảo án lệ số 6 do Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao đề xuất.
Số bản án: 364/2014/KDTM-ST ngày 10/4/2014 của TAND thành phố Hồ Chí Minh về vụ án "Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần giám định V với bị đơn và Công ty cổ phần D.

Tóm tắt:
Bối cảnh:
Chi phí để thuê luật sư theo Nguyên đơn để thực hiện các công việc gồm:
(1) Tư vấn chuẩn bị hồ sơ khởi kiện
(2) Đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng
Bằng chứng:
Hợp đồng dịch vụ pháp lý gồm: Điều khoản về công việc. về phí (trọn gói giá 50.000.000 đồng).
Hóa đơn VAT.
Quyết định của Tòa án:
Chỉ chi phí (1) được coi là chi phí hợp lý để thuê luật sư theo Luật SHTT, Bị đơn có nghĩa vụ thanh toán chi phí (1) cho Nguyên đơn, không có nghĩa vụ thanh toán chi phí số (2).
Căn cứ pháp lý:
Điều 205.3 Luật SHTT 2005 về Chi phí hợp lý để thuê luật sư.
Điều 55 Luật Luật sư 2006, sửa đổi bổ sung 2012.
Giải thích (dựa trên lập luận của Bị đơn):
Đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng là những công việc phải thực hiện khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp, không phải "chi phí hợp lý" để thuê luật sư theo quy định của Luật.
Căn cứ Điều 55 Luật Luật sư, xác định chi phí thực hiện phần công việc thứ (1) là 1/2 giá trị hợp đồng trọn gói, tức là Bị đơn phải bồi thường 25.000.000 đồng.
Toàn bộ nội dung Dự thảo án lệ:
(Dự thảo) Án lệ số… /2022/AL về chi phí hợp lý để thuê luật sư trong vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ
Nguồn án lệ: Bản án sơ thẩm số 364/2014/KDTM-ST ngày 10/4/2014 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần giám định V với bị đơn là Côngty cổ phần D. Vị trí nội dung án lệ: Đoạn 7 phần “Nhận định của Tòa án”. Khái quát nội dung của án lệ: - Tình huống án lệ: Bị đơn có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của nguyên đơn. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thanh toán chi phí thuê luật sư thực hiện việc tư vấn chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn nộp đơn khởi kiện, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn tham gia tố tụng tại Tòa án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trong quá trình tố tụng. - Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án chấp nhận chi phí hợp lý để thuê luật sư tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trong quá trình tố tụng; không chấp nhận chi phí thuê luật sư đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn nộp đơn khởi kiện và đạidiện theo ủy quyền của nguyên đơn tham gia tố tụng tại Tòa án. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ: Khoản 3 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Từ khóa của án lệ: “Quyền sở hữu trí tuệ”; “Chi phí hợp lý để thuê luật sư”.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn kiện nộp ngày 23/9/2013 và các lời trình bày tiếp theo của nguyên đơn Công ty Cổ phần Giám định V (gọi tắt là Công ty V) trong quá trình hòa giải được xác định như sau: Công ty V được thành lập ngày 17/5/1996 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp với tên viết tắt là D CO. là chủ sở hữu nhãn hiệu “D và hình” cho dịch vụ giám định hàng hóa được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký số 125821 ngày 27/05/2009. Vào đầu năm 2012, Công ty V phát hiện Công ty cổ phần D (trước đây là Công ty cổ phần giám định D - gọi tắt là Công ty D) được thành lập ngày 21/10/2011 đã sử dụng tên thương mại, đồng thời là tên doanh nghiệp cho dịch vụ giám định hàng hóa tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “D và hình” của Công ty V đang được bảo hộ. Tại bản Kết luận giám định số NH222-12 YC/KLGĐ ngày 28/8/2012 của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ kết luận dấu hiệu “D” được sử dụng dưới danh nghĩa tên thương mại trình bày tại Bản Thông cáo về thương hiệu Công ty cổ phần giám định D là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “DVC,D và hình” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký số 125821 ngày 27/05/2009 của Công ty V, vì vậy, Công ty V đã khiếu nại đến cơ quan chức năng và ngày 05/01/2013, Đoàn Thanh tra về sở hữu công nghiệp đã giải quyết, Công ty D cam kết thực hiện việc thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bỏ từ “giám định” trong tên doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày 03/01/2013 và thay đổi nội dung ngành nghề hoạt động phù hợp và không có liên quan đến danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ là dịch vụ giám định hàng hóa, thời gian thực hiện chậm nhất ngày 31/3/2013. Tuy nhiên, do Công ty D không thực hiện đúng thời gian quy định tại biên bản làm việc trên, gây thiệt hại về uy tín của Công ty V, đến thời điểm thụ lý vụ án và đến cuối năm 2013 vẫn chưa thực hiện cam kết, do đó, Công ty V vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đòi Công ty D chấm dứt ngay hành vi sử dụng tên thương mại đồng thời là tên doanh nghiệp, phải xin lỗi, cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và bồi thường cho Công ty V số tiền 50.000.000 đồng là chi phí hợp lý mà Công ty đã thuê Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước hành vi xâm phạm của Công ty D, trả một lần ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.
Tại văn bản tự khai ngày 10/12/2013 và các lời khai tiếp theo của Công ty D có ông Nguyễn Đức P là đại diện ủy quyền trong quá trình hòa giải trình bày: Căn cứ vào biên bản làm việc ngày 05/01/2013 của Đoàn Thanh tra, Công ty D đã thực hiện việc thay đổi tên thương mại và ngành nghề kinh doanh, tuy nhiên, do trở ngại khách quan vì phải họp Hội đồng thành viên Công ty để thông qua hồ sơ thay đổi, Sở Kế hoạch Đầu tư có sai sót trong việc cấp phép lại nên đến ngày 20/12/2013 mới thực hiện xong việc cam kết đúng như biên bản làm việc trên. Công ty xác nhận có sử dụng tên thương mại, đồng thời là tên doanh nghiệp cho dịch vụ giám định hàng hóa tương tự và không phản đối bản kết luận ngày 28/8/2012, tuy nhiên, thực tế, không phát sinh bất cứ hoạt động nào liên quan đến ngành nghề này từ khi thành lập cho đến ngày 20/12/2013 nên không gây thiệt hại nào cho Công ty V. Ngoài ra, xác nhận, sau ngày 05/01/2013 đến nay chưa có cơ quan, đơn vị chức năng nào xử phạt hành vi vi phạm như bản kết luận trên đối với Công ty D, vì vậy, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện trên của Công ty V.
Tại phiên tòa:
- Công ty V giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và bổ sung yêu cầu xóa tên “D” trong tên doanh nghiệp của Công ty D vì gây nhầm lẫn với nhãn hiệu và hình của Công ty V;
- Công ty D thừa nhận hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với Công ty V nên đồng ý cải chính, xin lỗi trên các báo gồm Báo Doanh nghiệp, báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh và báo Pháp luật Việt Nam trong 3 kỳ liên tiếp theo yêu cầu của Công ty V, tuy nhiên, chỉ chấp nhận bồi thường chi phí thuê Luật sư là
50.000.000 đồng, ngoài ra, đối với yêu cầu của Công ty V đòi xóa tên “D” của Công ty D là không đúng vì không trùng với tên doanh nghiệp của Công ty V, đồng thời, không đúng với yêu cầu ban đầu trong đơn khởi kiện nên không chấp nhận.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
[1] Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả hỏi tại phiên tòa, HĐXX nhận định :
[2] Về thẩm quyền giải quyết: Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty V là tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ với bị đơn là Công ty D có trụ sở tại Quận A Thành phố Hồ Chí Minh và đều có mục đích lợi nhuận được quy định tại khoản 4 Điều 25 và khoản 2 Điều 29 của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh theo thủ tục sơ thẩm.
[3] Về nội dung và yêu cầu khởi kiện :
[4] Công ty V yêu cầu Công ty D chấm dứt ngay hành vi sử dụng tên thương mại, đồng thời là tên doanh nghiệp, và phải xóa tên D của Công ty D do đã vi phạm thời hạn cam kết, HĐXX nhận thấy: Căn cứ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần số 0300561285, đăng ký lần đầu ngày 17/5/1996 và thay đổi lần thứ 11 ngày 07/10/2011 của Công ty cổ phần giám định V với tên viết tắt là D Co.; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 125821 ngày 27/5/2009 của Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho chủ giấy chứng nhận là Công ty V có nhãn hiệu là DVC D cho dịch vụ giám định hàng hóa; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần số 0311256357, đăng ký lần đầu ngày 21/10/2011 và thay đổi lần thứ 1 ngày 31/01/2012 của Công ty cổ phần giám định D với tên viết tắt là D Survey JSC và bản kết luận giám định số NH222-12 YC/KLGĐ ngày 28/8/2012 của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ về việc giám định đối tượng là dấu chữ “D” trong bản Thông cáo về thương hiệu Công ty cổ phần giám định D, xét thấy có đủ cơ sở để xác định dấu hiệu chữ “D” được sử dụng dưới danh nghĩa tên thương mại của Công ty D là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “DVC,D và hình” của Công ty V.
[5] Xét, tại biên bản làm việc ngày 05/01/2013 của Đoàn Thanh tra sở hữu công nghiệp có nội dung giải quyết về hành vi vi phạm nêu trên, cụ thể yêu cầu Công ty D trong vòng 30 ngày, kể từ ngày 03/01/2013 phải cung cấp chứng cứ chứng minh việc tạm ngưng hoạt động việc sử dụng dấu hiệu “D” tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Công ty V, bỏ cụm từ “giám định” trong tên doanh nghiệp, phải thay đổi nội dung ngành nghề hoạt động phù hợp và không có liên quan đến dịch vụ giám định hàng hóa trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chậm nhất ngày 31/3/2013. Căn cứ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần số 0311256357 được đăng ký thay đổi lần 2 ngày 08/7/2013, thay đổi lần 3 ngày 20/12/2013 của Công ty cổ phần D có cơ sở xác định phía Công ty D đã tiến hành việc đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh theo yêu cầu của Công ty V. Xét, mặc dù phía Công ty D không cung cấp được chứng cứ chứng minh trong việc tạm ngưng hoạt động việc sử dụng dấu hiệu vi phạm trên, tuy nhiên, Công ty V cũng không chứng minh được từ sau ngày 05/01/2013 đến nay Công ty D đã hoạt động trong lĩnh vực vi phạm trên và gây thiệt hại cho Công ty mình, vì vậy, Công ty V yêu cầu Công ty D chấm dứt ngay hành vi sử dụng tên thương mại, đồng thời là tên doanh nghiệp xâm phạm quyền với nhãn hiệu “D và hình” được bảo hộ của Công ty V và phải xóa tên D của Công ty D do đã vi phạm thời hạn cam kết như lời trình bày cùa Công ty V là không thể chấp nhận.
[6] Yêu cầu Công ty D phải xin lỗi, cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng trong 3 kỳ trên các báo: Doanh nghiệp, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh và Pháp luật Việt Nam, HĐXX nhận thấy: xét thấy Công ty D đã có hành vi vi phạm quyền đối với nhãn hiệu “DVC,D và hình” của Công ty V, vì vậy, yêu cầu này của Công ty V là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 202, Điều 203 Luật Sở hữu trí tuệ. Xét tại phiên tòa, Công ty D cũng thừa nhận hành vi sai trái trên và đồng ý xin lỗi, cải chính theo yêu cầu trên của Công ty V, vì vậy, nghĩ nên chấp nhận.
[7] Yêu cầu Công ty D bồi thường cho Công ty V số tiền 50.000.000 đồng là chi phí hợp lý mà Công ty đã thuê Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước hành vi xâm phạm của Công ty D, HĐXX xét thấy: Tại phiên tòa, Công ty V xác định chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đòi bồi thường 50.000.000 đồng thể hiện qua hợp đồng dịch vụ pháp lý số 130820/HĐDVPL ký ngày 20/8/2013 giữa Công ty V và Công ty luật hợp danh P và Đ và đã nhận được hóa đơn GTGT số 0000003 ngày 05/9/2013, toàn bộ số tiền này là chi phí trả thù lao cho Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty V trước hành vi xâm phạm của công ty D tại Tòa án; phía công ty D không đồng ý bồi thường với số tiền thù lao cho Luật sư như trên, chỉ chấp nhận chi phí thuê Luật sư là 5.000.000 đồng. Xét thấy, thể hiện trong hợp đồng dịch vụ pháp lý trên thì các công việc gồm có: tư vấn chuẩn bị hồ sơ khởi kiện; thay mặt và đại diện Công ty theo ủy quyền nộp đơn khởi kiện tại Tòa án; đại diện ủy quyền của Công ty V và cử Luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, như vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 205 của Luật Sở hữu trí tuệ thì Công ty V có quyền yêu cầu Tòa án buộc Công ty D phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê Luật sư, tuy nhiên, thể hiện trong hợp đồng dịch vụ nêu trên có các công việc như “thay mặt và đại diện nộp đơn, thay mặt Công ty tham gia tố tụng tại Tòa” xét thấy, đây là những công việc mà người khởi kiện phải thực hiện khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Tòa án, trường hợp không tự mình thực hiện thì được quyền cử người khác thay mặt pháp nhân mình thực hiện theo quy định pháp luật, do đó, đây không phải là chi phí hợp lý để thuê Luật sư nên Công ty V tự chịu các chi phí này mà không được thanh toán. Riêng đối với phần chi phí thuê Luật sư, xét thấy, Công ty V xác nhận số tiền 50.000.000 đồng trên là mức thù lao trọn gói, do đó, căn cứ theo Điều 55 Luật Luật sư quy định về thù lao thì giờ làm việc của Luật sư, nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý, kinh nghiệm, uy tín của Luật sư trong vụ án này có cơ sở xác định các chi phí trên được phân thành 02 phần gồm các công việc Công ty tự chịu là nộp đơn khởi kiện và thay mặt Công ty tham gia tố tụng chiếm ½ chi phí, phần chi phí còn lại là thuê Luật sư tư vấn và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công ty V trước Tòa án, vì vậy, nghĩ nên chấp nhận mức thù lao Luật sư chiếm 50% giá trị hợp đồng thành tiền là 25.000.000 đồng, phía Công ty D phải có nghĩa vụ thanh toán lại số tiền này cho Công ty V, do đó, nghĩ nên chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường trên của Công ty V.
[8] Xét, ý kiến phát biểu của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty V cho rằng do Công ty D vi phạm thời gian cam kết theo Kết luận của Đoàn Thanh tra Sở hữu công nghiệp ngày 05/1/2013 nên yêu cầu xóa hẳn tên D trong tên doanh nghiệp Công ty D, ý kiến này là không thể chấp nhận, vì, sau khi có kết luận của Đoàn Thanh tra cho đến nay Công ty V không có văn bản hoặc ý kiến nào trình bày về việc không chấp nhận việc Công ty D vi phạm thời gian cam kết nên biên bản làm việc ngày 05/01/2013 không còn giá trị thực hiện, đồng thời, yêu cầu này là không đúng với ý kiến của Công ty V được ghi nhận trong biên bản làm việc trên là đã đồng ý việc Công ty D giữ lại cụm từ “D” trong tên doanh nghiệp và Công ty V cũng không chứng minh được Công ty D đã không khắc phục việc vi phạm, tiếp tục vi phạm và bị xử lý hành chính hay dân sự gây nhầm lẫn nhãn hiệu, tên thương mại như ý kiến của Luật sư, do đó, không có cơ sở chấp nhận lời trình bày này.
[9] Về thời gian thi hành: Xét, Công ty V yêu cầu được bồi thường một lần ngay sau khi án có hiệu lực là phù hợp với quy định pháp luật, nghĩ nên chấp nhận.
[10] Về án phí KDTM-ST: Công ty D phải chịu án phí trên phần tiền phải bồi thường cho Công ty V và Công ty V phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm trên phần yêu cầu không được chấp nhận theo quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên,
Căn cứ Điều 29, 34, 35, khoản 1 Điều 131 và Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011;
QUYẾT ĐỊNH:
+ Áp dụng khoản 3 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 55 Luật Luật sư; Điều 306 Luật Thương mại năm 2005; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án và Điều 26 Luật Thi hành án dân sự cùng có hiệu lực ngày 01/7/2009, tuyên xử:
1/- Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn - Công ty cổ phần giám định V :
- Công ty cổ phần D có trách nhiệm đăng báo cải chính, xin lỗi Công ty Cổ phần giám định V về hành vi xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu “DVC,D và hình” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 125821 của Công ty cổ phần giám định V trong 03 kỳ liên tiếp trên các báo Doanh nghiệp, báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh và báo Pháp luật Việt Nam với nội dung như sau: “Công ty cổ phần D, địa chỉ đường T, Phường X, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh, bằng thông báo này Công ty chúng tôi gửi đến Công ty cổ phần giám định V lời xin lỗi về việc chúng tôi đã xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu “DVC,D và hình” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 125821 của Công ty cổ phần giám định V”. Đăng báo ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.
- Công ty cổ phần D có trách nhiệm thanh toán tiền thuê Luật sư cho Công ty cổ phần giám định V là 25.000.000 đồng (hai mươi lăm triệu).
- Thi hành ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật tại cơ quan thi hành án có thẩm quyền.
Kể từ ngày nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị đơn không chịu trả số tiền nêu trên, thì hàng tháng bị đơn còn phải trả cho nguyên đơn số tiền lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.
2/- Không chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty cổ phần giám định V về việc đòi Công ty cổ phần D chấm dứt ngay hành vi sử dụng tên thương mại, đồng thời là tên doanh nghiệp và yêu cầu đòi xóa hẳn tên D trong tên Công ty cổ phần D.
3/- Không chấp nhận yêu cầu của Công ty cổ phần giám định V về việc đòi Công ty cổ phần D phải thanh toán phần thù lao phát sinh trong hợp đồng dịch vụ pháp lý số 130820/HĐDVPL ngày 20/8/2013 là 25.000.000 đồng.
4/- Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty cổ phần D phải nộp là
2.000.000 đồng. Công ty cổ phần giám định V phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 2.000.000 đồng, được cấn trừ vào số tiền tạm nộp án phí là
1.250.000 đồng theo biên lai số 06014 ngày 22/10/2013 của Cục Thi hành án Dân sự Thành phố Hồ Chí Minh, còn phải nộp 750.000 đồng.
Các đương sự có mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
NỘI DUNG ÁN LỆ
“[7] Yêu cầu Công ty D bồi thường cho Công ty V số tiền 50.000.000 đồng là chi phí hợp lý mà Công ty đã thuê Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước hành vi xâm phạm của Công ty D, HĐXX xét thấy: Tại phiên tòa, Công ty V xác định chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đòi bồi thường 50.000.000 đồng thể hiện qua hợp đồng dịch vụ pháp lý số 130820/HĐDVPL ký ngày 20/8/2013 giữa Công ty V và Công ty luật hợp danh P và Đ và đã nhận được hóa đơn GTGT số 0000003 ngày 05/9/2013, toàn bộ số tiền này là chi phí trả thù lao cho Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty V trước hành vi xâm phạm của công ty D tại Tòa án; phía công ty D không đồng ý bồi thường với số tiền thù lao cho Luật sư như trên, chỉ chấp nhận chi phí thuê Luật sư là 5.000.000 đồng. Xét thấy, thể hiện trong hợp đồng dịch vụ pháp lý trên thì các công việc gồm có: tư vấn chuẩn bị hồ sơ khởi kiện; thay mặt và đại diện Công ty theo ủy quyền nộp đơn khởi kiện tại Tòa án; đại diện ủy quyền của Công ty V và cử Luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, như vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 205 của Luật Sở hữu trí tuệ thì Công ty V có quyền yêu cầu Tòa án buộc Công ty D phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê Luật sư, tuy nhiên, thể hiện trong hợp đồng dịch vụ nêu trên có các công việc như “thay mặt và đại diện nộp đơn, thay mặt Công ty tham gia tố tụng tại Tòa” xét thấy, đây là những công việc mà người khởi kiện phải thực hiện khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Tòa án, trường hợp không tự mình thực hiện thì được quyền cử người khác thay mặt pháp nhân mình thực hiện theo quy định pháp luật, do đó, đây không phải là chi phí hợp lý để thuê Luật sư nên Công ty V tự chịu các chi phí này mà không được thanh toán. Riêng đối với phần chi phí thuê Luật sư, xét thấy, Công ty V xác nhận số tiền 50.000.000 đồng trên là mức thù lao trọn gói, do đó, căn cứ theo Điều 55 Luật Luật sư quy định về thù lao thì giờ làm việc của Luật sư, nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý, kinh nghiệm, uy tín của Luật sư trong vụ án này có cơ sở xác định các chi phí trên được phân thành 02 phần gồm các công việc Công ty tự chịu là nộp đơn khởi kiện và thay mặt Công ty tham gia tố tụng chiếm ½ chi phí, phần chi phí còn lại là thuê Luật sư tư vấn và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công ty V trước Tòa án, vì vậy, nghĩ nên chấp nhận mức thù lao Luật sư chiếm 50% giá trị hợp đồng thành tiền là 25.000.000 đồng, phía Công ty D phải có nghĩa vụ thanh toán lại số tiền này cho Công ty V, do đó, nghĩ nên chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường trên của Công ty V.”
Comments