Thủ tục đăng ký, cấp mới biển số xe ô tô tại địa bàn thành phố Hà Nội
- Trang Đỗ Quỳnh
- 17 thg 7, 2023
- 19 phút đọc
Đề bài môn Luật Hành chính:
Phân tích thực trạng một thủ tục hành chính cụ thể tại địa phương theo quy định của pháp luật và đánh giá về thủ tục đó.

MỞ ĐẦU
Thủ tục hành chính (thủ tục hành chính) đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành bộ máy nhà nước cũng như bảo đảm quyền và lợi ích của người dân. Phương tiện giao thông ở nước ta lưu thông với mật độ dày đặc, theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA): năm 2019 thị trường Việt Nam tiêu thụ 320.322 xe ô tô các loại, tăng 12% so với năm 2018. Để một chiếc xe được lăn bánh hợp pháp trên đường, chủ xe phải tiến hành rất nhiều thủ tục, trong đó có thủ tục đăng ký và lấy biển số xe. Trong các văn bản của chính phủ về cải cách nền hành chính luôn chú trọng vào cải cách thủ tục hành chính, lấy cải cách thủ tục hành chính là “khâu đột phá của cải cách hành chính”. Vì vậy việc đánh giá cơ sở thực tiễn từ đó nhận thức thực trạng và đưa ra những kiến nghị hoàn thiện hơn việc xây dựng và thực hiện thủ tục hành chính đăng ký xe là cần thiết trong cải cách hành chính hiện nay. Do vậy, phân tích thực trạng thủ tục đăng ký, cấp mới biển số xe ô tô tại địa bàn thành phố Hà Nội - Cơ sở đăng ký số 2 mang ý nghĩa thực tế trong việc góp phần cải thiện hiểu tủa thủ tục hành chính này trên thực tế.
NỘI DUNG
1. Khái quát về thủ tục hành chính
1.1. Khái niệm thủ tục hành chính
Thủ tục hành chính là cách thức tổ chức, thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước theo đó cơ quan, cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ, cá nhân tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết các công việc của quản lý hành chính nhà nước.
Thủ tục hành chính do QPPL hành chính quy định nên thủ tục hành chính chính là nội dung của nhóm quy phạm này, khoa học pháp lý gọi đó là những quy phạm thủ tục .
1.2. Đặc điểm
Thứ nhất, thủ tục hành chính là thủ tục thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước, được thực hiện bởi các chủ thể quản lý hành chínhNN. Ví dụ, thủ tục đăng ký xe, cấp biển số xe được thực hiện bởi các chiến sĩ công an, CSGT,... được ủy quyền theo quy định tại Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công An.
Thứ hai, thủ tục hành chính do QPPL hành chính quy định, do các quan hệ thủ tục hành chính là đối tượng điều chỉnh của luật hành chính. Ví dụ, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Thứ ba, thủ tục hành chính có tính mềm dẻo, linh hoạt. Ví dụ, pháp luật quy định có hai thủ tục xử phạt vi phạm hành chính là thủ tục đơn giản (xử phạt tại chỗ) và thủ tục có lập biên bản.
1.3. Nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính
Nguyên tắc pháp chế: Chỉ cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có quyền định ra và thực hiện thủ tục hành chính trong phạm vi thẩm quyền do luật định. thủ tục hành chính phải được thực hiện đúng pháp luật, không được tùy tiện thay đổi hoặc bỏ qua. Đây là cơ sở tạo nên tính hợp pháp của quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Nguyên tắc khách quan: Việc định ra thủ tục hành chính phải xuất phát từ nhu cầu khách quan, khoa học của hoạt động quản lý nhằm đưa ra quy trình hợp lí thuận tiện nhất mang lại kết quả cao nhất cho quản lý. Đây chính là cơ sở tạo nên tính hợp lý của thủ tục hành chính.
Nguyên tắc công khai, minh bạch: Đây là yêu cầu tất yếu khách quan của xã hội dân chủ, nhằm thu hút nhân dân lao động tham gia vào quản lý hành chínhNN.
Nguyên tắc đơn giản, tiết kiệm, nhanh chóng, kịp thời: Thời hạn, thời hiệu ràng buộc trách nhiệm các chủ thể giải quyết dứt điểm từng vụ việc, tránh trì trệ.
Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của các bên tham gia: nhằm hạn chế lạm quyền, yêu cầu hợp pháp của mỗi bên đều có quyền được đáp ứng.
1.4. Các giai đoạn của thủ tục hành chính
- Khởi xướng vụ việc: Chủ thể thực hiện là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khi có căn cứ phát sinh thủ tục hành chính (có thể là một sự kiện thực tế được pháp luật quy định), ví dụ: yêu cầu, đề nghị hợp pháp của cá nhân.
- Xem xét và ra quyết định giải quyết vụ việc: Đây là giai đoạn quan trọng nhất, thường kết thúc bằng việc cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết vụ việc, hoặc cấp những loại giấy tờ có giá tương ứng, ví dụ: cấp giấy chứng nhận đăng ký xe trong thủ tục đăng ký xe.
- Thi hành quyết định: Đây là giai đoạn thực hiện hóa nội dung quyết định, các đối tượng có liên quan tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ được nêu trong quyết định hành chính. Ví dụ: người vi phạm nộp tiền phạt trong thủ tục xử phạt vi phạm giao thông.
- Khiếu nại, giải quyết khiếu nại.
2. Thủ tục đăng ký, cấp mới biển số xe ô tô tại địa bàn thành phố Hà Nội - Cơ sở số 2
Thủ tục đăng ký xe ô tô là một thủ tục giải quyết các công việc cụ thể (phân loại căn cứ vào mục đích của thủ tục). Điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới: “Xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp”, đăng ký xe không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của chủ xe, thực hiện mục tiêu quản lý của nhà nước. Giấy đăng ký xe là một loại giấy tờ công nhận quyền sở hữu hợp pháp đối với phương tiện của chủ thể, đồng thời là một phương pháp nhà nước bảo đảm an toàn cho chủ xe, người khác, quyền và nghĩa vụ của chủ xe trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Do vậy, mọi người dân sau khi thực hiện một giao dịch dân sự có khách thể là quyền sở hữu xe thì đều phải làm thủ tục đăng ký mới hoặc đăng kí lại xe nhằm bảo đảm quyền lợi của mình.
2.1. Cơ sở pháp lý
- Thông tư số 37/2010/TT-BCA quy định quy trình đăng ký xe.
- Thông tư số 58/2020/TT-BCA quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
- Thông tư sô 229/2016/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
2.2. Thủ tục đăng ký, cấp biển số xe ô tô theo quy định hiện hành và thực tiễn thi hành tại địa bàn thành phố Hà Nội - Cơ sở số 2
2.2.1. Thủ tục khi đăng ký, cấp biển số xe tại cơ quan công an
Sau khi hoàn thành nộp thuế trước bạ tại chi cục thuế các quận/huyện/thị xã tại Hà Nội, chủ xe sẽ đưa xe đi đăng ký, bấm biển số tại điểm đăng ký xe theo quy định (xem phụ lục 1: các điểm đăng ký xe ô tô tại Hà Nội). Thủ tục đăng ký, cấp biển số xe quy định hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Trình tự thực hiện (chi tiết xem phụ lục 2):
Bước 1: Chủ xe chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Nộp hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp biển số xe tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Khi sĩ quan, hạ sĩ quan CSGT (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ) làm nhiệm vụ đăng ký xe tiếp nhận hồ sơ thì đây được coi là giai đoạn khởi xướng vụ việc trong thủ tục đăng ký xe.
Bước 3: Cán bộ công an làm nhiệm vụ tiếp nhận kiểm tra hồ sơ. Đây là giai đoạn xem xét và ra quyết định giải quyết vụ việc. Sau đó, tiến hành kiểm tra theo trình tự: Kiểm tra giấy tờ của chủ xe - Kiểm tra thực tế xe - Kiểm tra hồ sơ đăng ký xe và cấp biển số xe.
- Cấp giấy hẹn cho chủ xe.
- Thu lệ phí đăng ký xe;
- Trả biển số xe; Hướng dẫn chủ xe kẻ biển số, tải trọng, tự trọng, tên chủ xe đối với các loại xe ô tô theo quy định.
Bước 3: Thu giấy hẹn, trả giấy chứng nhận đăng ký xe (mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 58/2020/TT-BCA) cho chủ xe và hướng dẫn chủ xe đi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định.
Đến đây thủ tục đăng ký, cấp biển số xe đã được hoàn thành. Thủ tục này cũng giống như các thủ tục hành chính cấp giấy tờ khác, thường kết thúc ở giai đoạn xem xét và ra quyết định giải quyết vụ việc, tức là giai đoạn thứ 2 theo các giai đoạn chung của thủ tục hành chính.
b) Cách thức thực hiện: Nộp trực tiếp tại trụ sở các điểm đăng ký xe theo quy định từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
c) Thời hạn giải quyết: Cấp ngay biển số; cấp giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn không quá 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
d) Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Phòng CSGT.
e) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Cấp biển số xe và giấy chứng nhận đăng ký xe.
g) Phí, lệ phí: quy định tại Thông tư sô 229/2016/TT-BTC, theo đó đối với thủ tục cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số “Xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống” tại Hà Nội (khu vực I) có mức thu lệ phí là từ 20 triệu đồng.
2.2.2. Hồ sơ đăng ký, cấp mới biển số xe
Theo Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công An quy định về quy trình cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tại mục A chương II, các giấy tờ cần thiếu trong hồ sơ đăng ký, biển số xe bao gồm:
- Giấy khai đăng ký xe (mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 58/2020/TT-BCA).
- Giấy tờ xe bao gồm: Giấy tờ nguồn gốc xe; Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe; Giấy tờ lệ phí trước bạ xe; Giấy tờ của chủ xe.
Thời điểm bùng phát dịch COVID-19 từ đầu năm 2020, với chính sách ưu đãi thuế trước bạ của chính phủ đối với các dòng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, nhiều người đã mua xe trước rồi chờ thông tư ưu đãi 50% có hiệu lực để hưởng chính sách rồi mới đi đăng ký xe. Trường hợp này có thể bị xử phạt lên đến 8 triệu đồng .
2.3. Đánh giá về tính hợp lý của quy định pháp luật hiện hành về thủ tục đăng ký, cấp biển số xe ô tô
Pháp luật về thủ tục đăng ký, cấp biển số xe ô tô về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về tính hợp lý và các nguyên tắc của thủ tục hành chính. Tuy nhiên, có thể thấy, việc chuẩn bị quá nhiều hồ sơ cũng như giấy tờ liên quan có thể gây trở ngại trong việc cải cách tinh giảm, gọn nhẹ giấy tờ trong thủ tục hành chính. Trong khi đó, thủ tục nộp thuế đã có nhiều cải cách nhờ sự nỗ lực của Chính phủ trong việc triển khai “Chính phủ điện tử”, “dịch vụ công trực tuyến”. Với dịch vụ này, người nộp lệ phí trước bạ không phải sử dụng chứng từ giấy để làm thủ tục tại Cơ quan đăng ký xe. Tuy vậy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng trực tuyến online vẫn chưa được áp dụng đối với hoạt động đăng ký xe ngay sau đăng ký thuế.
Do sự cồng kềnh giấy tờ, nhiều người dân tự mình thực hiện thủ tục lần đầu thường mất rất nhiều thời gian và công sức, người ta gọi đó là sự phức tạp của hành chính. Đó cũng là một trong những lý do người dân có tâm lý lo sợ khi đến “chốn quan quyền”, gây ra những cản trở nhất định trong thủ tục đăng ký giấy chứng nhận đăng ký xe, cấp biển số xe nói riêng và thủ tục hành chính nói chung.
Theo quy định hiện hành, việc mang xe đến đăng ký cũng còn nhiều bất cập, khi xe chưa có biển số, chưa làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm nên khi lái xe đến điểm đăng ký rất dễ bị xử phạt hành chính do vi phạm trật tự an toàn giao thông. Mặc dù khi trình được thủ tục chứng minh việc đang đi đăng ký xe cũng có thể được bỏ qua, nhưng đây sẽ trở thành lỗ hổng trong việc giám sát, quản lý của nhà nước nếu có đối tượng lợi dụng để sử dụng, chạy xe chưa đăng ký, đăng kiểm.
2.4. Đánh giá thực tiễn áp dụng thủ tục đăng ký, cấp biển số xe ô tô tại địa bàn Hà Nội - Cơ sở số 2
2.4.1. Những thành tựu đạt được
Mô hình một cửa đã được đề cập đến trong nghị quyết số 38/CP từ những năm 1994 của Chính phủ, được thí điểm tại thành phố Hà Nội từ năm 1996, đến nay đã cơ bản hoàn thiện về mặt lý luận và triển khai thực tiễn. Việc tiếp nhận và trả kết quả giấy đăng ký xe được thực hiện tại chỗ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và công cuộc quản lý của chính quyền.
2.4.2. Những hạn chế cần khắc phục
Yêu cầu đối với nơi đăng ký xe: “ phải được bố trí ở địa điểm thuận tiện, có diện tích phù hợp, đủ chỗ ngồi, chỗ để xe...” thực tế, cơ sở đăng ký số 2 ở Hà Nội tại 1234 Đường Láng (Đội CSGT số 3) là một diện tích nhỏ, hẹp, người dân có mang theo xe đến đăng ký phải để tràn ra lòng đường hoặc di chuyển đến một bãi để xe khác cách xa địa điểm đăng ký. Việc này có thể cản trở trật tự an toàn giao thông ở các cung đường vốn có diện tích nhỏ và hay tắc nghẽn như ở Hà Nội. Thời hạn giải quyết cho thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký xe được quy định là không quá 2 ngày làm việc, tuy nhiên thực tế diễn ra khá lâu (6-7 ngày).
Hiện nay, trên cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố Hà Nội mới chỉ cung cấp thủ tục đăng ký xe trực tuyến cho xe mấy chuyên dùng, tức là muốn đăng ký xe thông thường, chủ xe chỉ có 1 phương thức duy nhất là đến trực tiếp các cơ sở đăng ký xe theo quy định.
Điểm b Điều 6 Thông tư 37/2010 quy định rõ nhiệm vụ cà số máy, số khung thuộc về các cán bộ làm nhiệm vụ, nhưng thực tế cán bộ lại “đẩy” cho dân, bảo dân tự làm hoặc ra nhờ dịch vụ nhằm thay thế quá trình kiểm tra của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký. Nhiều người không biết thủ tục này dẫn đến không chuẩn bị sẵn bản cà số, buộc phải bỏ ra khá nhiều tiền để trả phí cho các dịch vụ “chờ sẵn” ở cổng các địa điểm đăng ký. Đây là một khoản tiền không hề nhỏ, mà đáng ra chủ xe không phải mất.
Để một chiếc xe ô tô có thể lăn bánh hợp pháp trên đường, ngoài những khoản phí theo quy định, người dân còn phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ, những “loại phí” không tên, một kiểu “luật ngầm” bất hợp pháp ngay tại các điểm đăng ký, đăng kiểm xe ô tô. “Thủ tục thì theo quy định của nhà nước, nhưng quan trọng nhất là phải biết “luật”, bởi “cửa” nào cũng có “luật” riêng, từ nhân viên thuế, cán bộ đăng ký và các trung tâm đăng kiểm. Đây là “luật bất thành văn” bắt buộc phải theo, nếu không muốn hồ sơ bị “om” từ sáng tới chiều”, một nhân viên sales ô tô trên địa bàn Hà Nội cho biết . Với những cơ sở đăng ký đảm nhiệm các nhiều quận/huyện, mức tiền này có thể tăng lên theo cấp số nhân. Tâm lý muốn nhanh chóng của người dân cũng vô tình tiếp tay để các loại “tiền ma” này tiếp diễn trong một thời gian quá dài, trở thành “luật ngầm” mà không có cách kiểm soát. Sau khi bài báo về thực trạng nhức nhối này được phản ánh ngay gần đây, Cục Đăng kiểm và Tổng cục Thuế đã có phản hồi cho chỉ đạo kiểm tra khắc phục, còn Bộ Công An với thủ tục đăng ký xe vẫn chưa có văn bản chỉ đạo thêm. Hiện thực “phí bôi trơn” đáng buồn không chỉ trong thủ tục đăng ký xe mà còn rất nhiều thủ tục hành chính công khác, nó không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thái độ của người dân với cơ quan hành chính nhà nước, mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy tắc quản lý trật tự hành chính.
2.5. Đề xuất cải thiện
Có thể thấy một số tài liệu trong hồ sơ nộp thuế trước bạ, hồ sơ đăng ký và đăng kiểm xe là trùng nhau, nên chúng ta có thể áp dụng cơ chế một cửa liên thông và tích hợp dịch vụ công trực tuyến để thực hiện đồng thời 3 thủ tục (nộp thuế trước bạ, đăng ký xe và đăng kiểm) bằng 1 bộ hồ sơ. Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cần có hướng áp dụng cụ thể cho thủ tục đăng ký xe nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân, tổ chức trong giao dịch trực tuyến với các chi phí xã hội thấp nhất, từng bước nâng cao tỷ lệ giao dịch trực tuyến trong các CQHCNN.
Phải thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính đăng ký xe để loại bỏ các thủ tục còn phức tạp và gây phiền hà cho người dân. Xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở, cơ quan vi phạm, nhũng nhiễu, nhiều “luật ngầm, tham nhũng vặt”, hiện trạng “dân cần nhưng quan chưa vội”, cản trở việc tiến hành thủ tục hành chính hợp pháp và hợp lý. Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về thủ tục đăng ký xe.
Trong thời đại ngày nay, xu hướng chuyển từ nền hành chính truyền thống sang nền hành chính hiện đại đòi hỏi phải có sự năng động, thích ứng không chỉ trong phạm vi nội bộ một quốc gia mà còn phải có sự tương thích với khu vực và cộng đồng quốc tế. Vì vậy, cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam một mặt dựa trên những nguyên tắc được quy định bởi Hiến pháp và pháp luật, một mặt phải tính toán chọn lựa những mặt tích cực của thủ tục hành chính trên thế giới.
KẾT LUẬN
Thủ tục đăng ký, cấp biển số xe ô tô là một thủ tục được thực hiện với cường độ cao và phổ biến trong quản lý hành chính hiện nay. Tuy nhiên trong thực tiễn thi hành còn nhiều bất cập, tính hợp lý và hợp pháp chưa được hoàn thiện. Việc hoàn thiện quy định và cơ chế kiểm soát thủ tục hành chính công đặt ra đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải có hướng giải quyết kịp thời để bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Cải cách thủ tục hành chính phải được tiến hành song song với các cải cách thể chế bộ máy hành chính đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức và cải cách tài chính công, dần đưa người dân đến một nền hành chính “của dân, do dân, vì dân”.
PHỤ LỤC
PHỤ LỤC 1: Địa chỉ đăng ký xe ôtô tại Hà Nội (theo thông báo mới nhất của Phòng CSGT - Công an TP. Hà Nội)
Cơ sở 1: Phòng CSGT TP Hà Nội, số 86 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm tiếp nhận giải quyết hồ sơ đăng ký xe đối với 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Tây Hồ.
Cơ sở 2: Đội CSGT Số 3, số 1234 Đường Láng, quận Đống Đa, tiếp nhận giải quyết hồ sơ đăng ký xe đối với 8 quận, huyện, thị xã gồm Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Sơn Tây, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì.
Cơ sở 3: Trung Tâm Đăng Ký Xe Ô Tô và Mô tô, số 116 Đặng Phúc Thông, Thị Trấn Yên Viên, Gia Lâm, TP Hà Nội tiếp nhận giải quyết hồ sơ đăng ký xe đối với 5 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Cơ sở 4: Trung Tâm Đăng Ký Xe Ô Tô và Mô tô, số 2 Nguyễn Khuyến, quận Hà Đông tiếp nhận giải quyết hồ sơ đăng ký xe đối với 8 quận, huyện: Thanh Xuân, Hà Đông, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hoà, Mỹ Đức.
Cơ sở 5: Đội CSGT Số 4, số 5 Ngọc Hồi, quận Hoàng Mai tiếp nhận giải quyết hồ sơ đăng ký xe đối với 5 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên.
PHỤ LỤC 2: Trình tự đăng ký, cấp biển số xe chi tiết theo pháp luật hiện hành:
Bước 1: Chủ xe chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Theo Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công An quy định về quy trình cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tại mục A chương II, các giấy tờ cần thiếu trong hồ sơ đăng ký, biển số xe bao gồm:
Giấy khai đăng ký xe (mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 58/2020/TT-BCA).
Giấy tờ xe bao gồm:
+ Giấy tờ nguồn gốc xe: quy định khác nhau đối với xe nhập khẩu; xe sản xuất, lắp ráp trong nước; xe cải tạo; xe nguồn gốc tịch thu sung quỹ nhà nước. Đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, yêu cầu có phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (mẫu phiếu ban hành kèm theo Thông tư số 25/2019/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp ô tô, được sửa đổi, bổ sung bởi thông tư sô 46/2019/TT-BGTVT, phụ lục IX)
+ Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe: như hoá đơn gốc VAT (Hoá đơn đỏ), chứng từ tài chính (biên lai, phiếu thu) mua xe.
+ Giấy tờ lệ phí trước bạ xe: như biên lai hoặc Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Giấy tờ của chủ xe: Trường hợp chủ xe là người Việt Nam thì xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc sổ hộ khẩu.
Bước 2: Nộp hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp biển số xe tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Phòng CSGT Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Khi sĩ quan, hạ sĩ quan CSGT (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ) làm nhiệm vụ đăng ký xe tiếp nhận hồ sơ thì đây được coi là giai đoạn khởi xướng vụ việc trong thủ tục đăng ký xe.
Bước 3: Cán bộ công an làm nhiệm vụ tiếp nhận kiểm tra hồ sơ. Đây là giai đoạn xem xét và ra quyết định giải quyết vụ việc.
- Kiểm tra giấy tờ của chủ xe, hướng dẫn chủ xe viết Giấy khai đăng ký xe theo mẫu quy định;
- Kiểm tra thực tế xe
Nộp hồ sơ cho cán bộ công an phụ trách khám xe tại cửa số 01. Sau đó, cán bộ làm nhiệm vụ sẽ:
+ Đối chiếu nội dung trong Giấy khai đăng ký xe với thực tế của xe;
+ Cà số máy, số khung và ký đè lên bản cà số máy, số khung, ghi rõ họ, tên của cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra thực tế của xe, ngày, tháng, năm kiểm tra xe;
+ Kiểm tra các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
- Kiểm tra hồ sơ đăng ký xe và cấp biển số xe.
+ Tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe; kiểm tra, đối chiếu giấy tờ của chủ xe, giấy khai đăng ký xe với các giấy tờ của xe theo quy định.
Nếu hồ sơ đăng ký xe chưa đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn cho chủ xe hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ đăng ký xe đầy đủ theo quy định, chủ xe chuẩn bị Sổ hộ khẩu, Căn cước công dân (đối với tài sản cá nhân đăng ký) hoặc giấy giới thiệu của công ty (đối với tổ chức doanh nghiệp) nộp cùng với bộ hồ sơ xe đã được các cán bộ công an kiểm tra xác nhận tại cửa số 3 và chờ đến lượt bấm biển. Sau khi chủ xe bấm số biển, cán bộ công an sẽ nhập tên, địa chỉ của chủ xe, đặc điểm của xe vào máy vi tính để cấp biển số đã được cài đặt trong chương trình đăng ký, quản lý xe trên máy vi tính; ghi biển số xe vào giấy khai đăng ký xe (Tiêu chuẩn biển số xe ô tô được quy định tại phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư số 58/2020/TT-BCA).
- Cấp giấy hẹn cho chủ xe.
- Thu lệ phí đăng ký xe;
- Trả biển số xe; Hướng dẫn chủ xe kẻ biển số, tải trọng, tự trọng, tên chủ xe đối với các loại xe ô tô theo quy định.
Bước 3: Thu giấy hẹn, trả giấy chứng nhận đăng ký xe cho chủ xe và hướng dẫn chủ xe đến cơ quan bảo hiểm mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định. Khi đi nhận giấy đăng ký gốc, chủ xe cần mang theo giấy hẹn đăng ký và giấy tờ tùy thân chính chủ.
Mẫu giấy chứng nhận đăng ký xe: Mẫu số 03, Ban hành kèm theo Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16/06/2020 của Bộ Công an. Mẫu giấy chứng nhận đăng ký xe cũ ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA đã sản xuất trước ngày Thông tư 58/2020 có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2020.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2019.
Luật giao thông đường bộ 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2019.
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Thông tư số 37/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an quy định quy trình đăng ký xe.
Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ Công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Thông tư sô 229/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định về mưc thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Thông tư số 25/2019/TT-BGTVT ngày 5/7/2019 quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp ô tô, được sửa đổi bổ sung bởi thông tư sô 46/2019/TT-BGTVT ngày 12/11/2019, hợp nhất tại Văn bản hợp nhất số 21/VBHN-BGTVT.
Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 về kiểm soát thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013.
Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Báo cáo số 3594/BC-VPCP của Văn phòng Chính phủ về công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, triển khai và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Nguyễn Ngọc Bích, Hoàn thiện pháp luật về dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ luật học, Đại học Luật Hà Nội, 2012.
Nguyễn Thị Minh Hà, Thực hiện cơ chế "một cửa” tại Ủy ban nhân dân cấp phường thuộc Quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Đại học Luật Hà Nội, 2013.
Địa điểm đăng ký- thủ tục cấp biển số xe Ô Tô ở Hà Nội như thế nào (mới nhất năm 2020)?, http://hondaotogiaiphong5s.net/thu-tuc-dang-ky-cap-bien-so-xe-o-to-o-ha-noi-nhu-the-nao-moi-nhat-nam-2020/ , truy cập ngày 10/10/2020.
Báo Công An, Hà Nội thành lập thêm cơ sở đăng ký xe số 5, http://cand.com.vn/Giao-thong/Ha-Noi-thanh-lap-them-co-so-dang-ky-xe-so-5-377821/, truy cập ngày 11/10/2020.
Báo Đại đoàn kết: Những tờ tiền 'biết nói' tại các điểm đăng ký, đăng kiểm xe ô tô, đăng ngày 25/08/2020, http://daidoanket.vn/bai-viet-nhung-to-tien-biet-noi-cuc-dang-kiem-phan-hoi-505636.html, truy cập ngày 17/10/2020.
Bài viết ‘Những tờ tiền ‘biết nói’: Cục Đăng kiểm phản hồi, đăng ngày 26/08/2020, http://daidoanket.vn/bai-viet-nhung-to-tien-biet-noi-cuc-dang-kiem-phan-hoi-505636.html, truy cập ngày 17/10/2020.
Tổng Cục Thuế lên tiếng về vụ 'những tờ tiền biết nói', đăng ngày 27/08/2020, http://daidoanket.vn/tong-cuc-thue-len-tieng-ve-vu-nhung-to-tien-biet-noi-505744.html, truy cập ngày 17/10/2020.
Cổng dịch vụ công quốc gia, Đăng ký, cấp biển số xe (thực hiện tại cấp tỉnh), https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-chi-tiet-thu-tuc-nganh-doc.html?ma_thu_tuc=1.000377 , truy cập ngày 17/10/2020.
Comments